Chỉ vì những suy nghĩ sai lầm khiến cho nhiều bệnh nhân mắc đái tháo đường (tiểu đường) gặp những biến chứng đáng tiếc.
Theo số liệu ước tính của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), hiện cứ mỗi 6 giây trên thế giới lại có 1 người tử vong vì căn bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, phần lớn người mắc bệnh thường tự mày mò các phương pháp điều trị bằng mẹo hoặc kinh nghiệm dân gian. Điều này dẫn đến những quan niệm sai lầm, ảnh hưởng đến việc kiểm soát bệnh, gây ra những biến chứng đáng tiếc.
PGS Nguyễn Khoa Diệu Vân – Trưởng khoa Nội tiết, Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hàng ngày tại Khoa gặp rất nhiều bệnh nhân bị đái tháo đường tuýp 2 điều trị sai lầm dẫn đến các biến chứng.
Bỏ tinh bột trong khẩu phần ăn
Theo PGS Vân, đái tháo đường là bệnh mạn tính, không thể chữa dứt điểm và cần được điều trị, quản lý, theo dõi liên tục suốt đời, phối hợp với một chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện phù hợp.
Rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường nghĩ rằng chỉ cần kiêng tất cả các loại đường, tinh bột thì điều ấy cũng mang lại những hiệu quả nhất định trong kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên điều đó không hoàn toàn đúng bởi một bữa ăn của người đái tháo đường cũng phải có đầy đủ và cân đối các thành phần tinh bột, protein, lipit…Bên cạnh đó việc luyện tập thể dục thể thao cũng là một vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị và kiểm soát đường máu của bệnh nhân.
PGS Nguyễn Khoa Diệu Vân – Trưởng khoa Nội tiết, Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai
Nghĩ bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn
Theo PGS Vân, đái tháo đường là căn bệnh mãn tính, phải điều trị cả đời. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân nghĩ rằng chỉ cần với một đơn thuốc của bác sĩ thì có thể điều trị khỏi hoàn toàn và sau khi hết đơn thuốc thì không cần tái khám. Tuy nhiên nếu ngừng thuốc thì chỉ số đường máu sẽ tăng cao và nếu không được kiểm soát thì bệnh nhân sẽ gặp phải những biến chứng đáng tiếc.
Sai lầm trong theo dõi đường máu
Rất nhiều người bệnh thắc mắc rằng: "Tôi theo dõi đường máu rất tốt, tuần nào tôi cũng thử đường máu và đều thử vào buổi sáng khi đói, vậy tại sao tôi vẫn bị biến chứng?"
PGS Nguyễn Khoa Diệu Vân cho biết đấy là một sai lầm, vì bệnh nhân không phải chỉ cần thử đường máu một tuần một lần và thử vào lúc đói, mà chúng ta vẫn cần theo dõi đường máu sau ăn.
Việc tăng đường máu sau ăn quá cao cũng là nguyên nhân gây ra các biến chứng cho người bệnh tiểu đường. Do đó người bệnh bắt buộc phải theo dõi cả đường máu lúc đói và sau ăn. Không phải chỉ theo dõi đường máu 1 lần trong 1 tuần, mà cần phải theo dõi nhiều lần trong 1 tuần, nhiều lần trong 1 ngày cho đến khi đường máu ổn định, khi đó bạn mới giảm dần số lần thử đường máu.
Yoga cười cho bệnh nhân đái tháo đường tại Bệnh viện Bạch Mai.
Tự chữa loét bàn chân ở nhà
Loét bàn chân là biến chứng của bệnh đái tháo đường. Điều trị biến chứng bàn chân khá tốn kém, thời gian nằm viện kéo dài. Khi có loét bàn chân, nguy cơ bị cắt cụt bàn chân rất cao, thậm chí phải cắt lên đến đùi. Việc phòng nguy cơ này rất quan trọng. Nhiều bệnh nhân nghĩ, vết loét nhỏ xíu ban đầu không có gì đáng ngại vì nó sẽ tự liền, tự lành. Thực tế thì có vết loét bàn chân dù rất nhỏ nhưng điều này có nghĩa là bệnh nhân đã có nhiều biến chứng nặng như biến chứng thần kinh, mạch máu…
Do đó, khi phát hiện có vết loét nhỏ, phải tới cơ sở y tế điều trị đúng phác đồ y khoa. Nếu tự ý làm bác sĩ cho bản thân mình để chữa loét bàn chân ở nhà, là bệnh nhân tự biến mình thành “đao phủ”.
Bỏ qua các bệnh lý khác
PGS Vân chia sẻ, một sai lầm nữa các bác sĩ gặp khá nhiều trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường. Đa số bệnh nhân là người lớn tuổi nên ngoài bệnh đái tháo đường, bệnh nhân còn có thể bị tăng huyết áp, tim mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ máu…nhưng người bệnh chỉ chăm chăm kiểm soát đường máu mà quên kiểm soát các bệnh còn lại. Trong thôi mà quên đi mất 2 yếu tố tăng huyết áp và rối loạn lipit máu cũng là yếu tố nguy cơ tác động qua lại, ảnh hưởng đến các biến chứng của người bệnh.
Sử dụng đơn thuốc của bệnh nhân khác
Thực tế có rất nhiều người bệnh đái tháo đường sử dụng đơn thuốc của người quen hoặc người thân mách bảo. Tuy nhiên trên thực tế mỗi bệnh nhân sẽ có một đáp ứng thuốc khác nhau và có một mục tiêu, một tiêu chí điều trị khác nhau. Do đó PGS Vân lưu ý, không thể sử dụng đơn thuốc của người này cho người kia và chính tình trạng sử dụng chung đơn thuốc như vậy đôi khi đã để lại cho người bệnh những tác dụng không mong muốn như tình trạng tăng hoặc giảm đường huyết quá mức, thậm chí suy gan suy thận…
Bác sĩ Vân khuyến cáo, mỗi người bệnh phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ điều trị riêng cho bản thân mình (sử dụng các loại thuốc khác nhau). Bên cạnh đó luôn nhớ kiểm soát đường máu song song với kiểm soát mỡ máu, tình trạng tăng huyết áp, tim mạch. Người bệnh cần thường xuyên luyện tập, tuân thủ chế độ ăn, kiểm tra đường máu định kỳ để ta biết bản thân đang ở mức độ nào.