Chuyện ghi ở làng Hy Vọng

congly.com.vn| 13/04/2012 11:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chúng tôi tìm về làng trẻ Hy Vọng vào những ngày đầu tháng 9 lịch sử, tại đây có biết bao mảnh đời bất hạnh đang được nuôi dưỡng và chăm sóc.

Được thành lập từ năm 1993, ban đầu chỉ với 10 em nhỏ, hiện làng Hy Vọng đã nuôi dưỡng được 450 em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, các em khuyết tật trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng và hàng trăm ước mơ đã được chấp cánh…

Các em vui vì được học nghề

Ngôi làng mang tên Hy Vọng


Làng trẻ Hy vọng (Village of Hope) nằm tọa lạc trên số 209 đường Dũng Sĩ Thanh Khê, quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng. Trong khuôn viên trường này, hiện đang có 136 em được nuôi dưỡng và chăm sóc. Được biết, làng Hy Vọng là đơn vị thuộc thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, được thành lập với sự tài trợ chính của Tổ chức Phi chính phủ mang tên East Meets West (EMW) hay còn gọi là Đông Tây Hội Ngộ nhằm nuôi dạy trẻ em mồ côi, khuyết tật và không nơi nương tựa tại miền Trung Việt Nam nói chung và đặc biệt là trẻ em mồ côi, khuyết tật Quảng Nam - Đà Nẵng.


Các em đến đây đều là những mảnh đời có hoàn cảnh đáng thương. Một số em do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, một số bị khuyết tật, lại có những em khi vừa sinh ra đã không biết được đâu là bố mẹ ruột, có em thì lại bị bỏ rơi nơi cổng bệnh viện, hay có em lại bị chính người thân, họ hàng "gửi gắm" ở nơi này…


Làng Hy Vọng với mục tiêu: “Nuôi dạy, chăm sóc, vun đắp ước mơ cho trẻ em” nên các em ở đây không chỉ được học văn hóa mà còn được học nghề để phục vụ cho cuộc sống mưu sinh sau này của mình như: may, thêu thùa, vẽ tranh, mộc… Những trẻ em bình thường ở đây được Trung tâm cho theo học chương trình như những trường phổ thông của Nhà nước và học tại Trung tâm đối với những em khiếm thính. Các em được nhận về khi mới 6 tuổi và được nuôi dạy đến lớp 12, nếu qua lớp 12 em nào thi đỗ Đại học, Cao đẳng, Trung tâm lại tài trợ cho các em tiếp tục học.

Không chỉ học tập tốt mà tại đây còn có những hình thức sinh hoạt, giải trí phong phú cho các em, như sinh hoạt văn nghệ, học tiếng Anh, giao lưu vào cuối tuần, tổ chức tham gia các trò chơi, các hoạt động thể thao... Theo lời Ông Phan Thanh Vinh- Giám đốc làng trẻ Hy Vọng: “Các em đến đây đều là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nên trung tâm muốn dành cho các em những điều kiện tốt nhất, đây được xem như một hành động đề bù đắp phần nào thiệt thòi của các em”.


“Làng” của những mảnh ghép cuộc sống


Đến với làng trẻ Hy Vọng này, mỗi em nhỏ đều có một cảnh đời khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung là cần nơi nương tựa, cần tình thương, che chở....Trường hợp của Đỗ Thị Thúy Ngân là một ví dụ. Cô bé này luôn ước được một lần gọi mẹ. Ngân kể: Sau ngày sinh Ngân, mẹ em bệnh nặng phải nằm bệnh viện suốt gần một năm rưỡi rồi qua đời. Ngân được đưa về sống với ông bà ngoại.

... bên cạnh việc học văn hóa


Mỗi lần nghe đám bạn hàng xóm gọi mẹ, em đều thắc mắc hỏi bà ngoại nhưng bà chỉ biết ôm em vào lòng và im lặng. Nhưng khi lớn dần, Ngân đã hiểu được nỗi bất hạnh của mình - mẹ mất sớm và không có bố. Ngân trở nên lặng lẽ, ít nói, ít tiếp xúc với bạn bè.


Đến khi Ngân lên lớp 6, ngoại già yếu không thể nuôi nổi cháu nên đành gửi em vào làng Hy Vọng này. Tại đây, em đã gặp được người “mẹ” đầu tiên của mình, em đã được bà Tám gọi con và xưng mẹ. Ngân nói: “Dẫu muộn màng nhưng em vẫn có được tình thương của mẹ. Không phải dứt ruột sinh ra nhưng mẹ Tám vẫn chăm lo và yêu thương em như con ruột” .


Nhìn vẻ ngoài chín chắn của em Võ Thị Bin, ít ai biết rằng cô bé mới chỉ học lớp 9. Có lẽ sự trưởng thành trước tuổi ấy có được từ thảm cảnh gia đình năm nào của Bin. Được biết quê Bin ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình - Quảng Nam. Gia đình em rất nghèo, nhà có ba đứa con nhỏ, Bin là chị cả. Hằng ngày mẹ đi bán dạo ở xóm, còn bố đi làm thuê trên tàu cá. Trong cơn bão Chanchu, bố Bin đi mãi không trở về, bỏ lại vợ và 3 đứa con thơ.


Hiểu hoàn cảnh gia đình, Bin đã đăng ký vào ở làng Hy Vọng với mong ước được nhẹ gánh cho mẹ, để mẹ dồn sức lo cho 2 em nhỏ.


Làng Hy Vọng còn nhận nuôi hơn 20 em khác có hoàn cảnh tương tự như Bin. Sau cơn bão khốc liệt đó, tất cả các em đều thành trẻ mồ côi. Em Võ Bá Thị Vy cũng là một đứa trẻ mồ côi không cha, không mẹ và nghiệt ngã thay em đã mất luôn người bà trong cơn bão Chanchu. Em tâm sự: “Em từng ước ao được gọi hai tiếng “mẹ ơi!”, ước được cha đánh đòn, ước muốn được tung tăng vui đùa như các bạn cùng trang lứa” . Và em còn nhắn nhủ rằng: “Các bạn hãy trân trọng những phút giây khi còn bên mẹ, hãy luôn hiếu thảo với mẹ hiền, đừng bao giờ làm cho mẹ buồn, khổ vì con…”. Khi nghe những lời này hẳn ai trong chúng ta đều phải nghẹn ngào xúc động.


Nơi chắp cánh ước mơ


Kể từ lúc thành lập đến nay, làng Hy Vọng đã nuôi dạy được 450, trong đó có 314 em đã ra trường, có việc làm, một số đã lập gia đình và thành đạt trong cuộc sống. Bên cạnh đó phải kể đến những em học giỏi được nhận học bổng và du học nước ngoài. Cụ thể, hiện có 3 em đang học ở Mỹ và 1 em theo học ở Nhật.


Ở làng Hy Vọng, những đứa trẻ bất hạnh luôn đối xử với nhau như anh chị em ruột thịt. Đứa lớn đỡ đứa nhỏ, các em dìu dắt nhau trong học tập và sinh hoạt.


Dường như các em hiểu rằng các “mẹ” khó lòng đảm đương hết việc lo cho cả bầy con đông đúc. Nỗi bất hạnh tuổi thơ như một động lực để các em biết nghĩ cho nhau, yêu thương và nhường nhịn nhau để cùng tìm cảm giác ấm áp, bình yên dưới mái nhà chung. Chính tình thương hồn nhiên ấy đã giúp những đứa trẻ mồ côi tự tin bước vào đời và giành kết quả cao trong học tập.


Câu chuyện về Hải Wiederkehr có lẽ là một ví dụ tiêu biểu. Hải mồ côi mẹ khi mới 6 tuổi, cha cô đã bỏ mẹ con cô ra đi khi cô còn nằm trong bụng mẹ. Năm 1993, Hải là một trong 10 em nhỏ đầu tiên được đón về làng Hy Vọng nuôi dưỡng. Tại đây, cô đã có gia đình thứ hai của mình. May mắn đến với Hải và Thêm (một em nhỏ sống ở làng Hy Vọng) khi được ông bà Wiederkehr nhận làm con nuôi. Năm 2002, ông bà Wiederkehr đã đón “hai con” của mình về sống ở Sonnom, Californina, Mỹ. Lúc đầu do bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, Hải đã gặp chút khó khăn nhưng chỉ sau nửa năm cô đã bắt kịp lối sống ở đây và có thêm nhiều bạn mới. Với sự quyết tâm và nỗ lực vươn lên, Hải đã cố gắng đạt những kết quả cao trong học tập những năm sau đó. Và tấm bằng tốt nghiệp loại ưu tại ĐH California tháng 6-2006 của Hải - một đứa trẻ mồ côi ra đi từ làng Hy vọng đã thắp lên những hy vọng, sự tự tin cho các em nhỏ tại đây.


Nhìn những khuôn mặt trẻ thơ ngây thơ, trong sáng, tuy rằng tuổi thơ bất hạnh nhưng trong các em luôn cháy bỏng những ước mơ, khát khao tìm chỗ đứng cho mình trong xã hội này. Ngôi nhà chung làng Hy Vọng đã trở thành nơi nhen nhóm và thổi bùng những đốm lửa tự tin vào tương lai tốt đẹp của các em.


H.T.T

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện ghi ở làng Hy Vọng