Chương trình phục hồi kinh tế có bị lạc hậu khi 'vấp' lực cản?

Trang Nhi| 28/03/2022 16:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đà phục hồi của Việt Nam đang vấp phải 2 vấn đề: Phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới đang chững lại và rủi ro về bất ổn kinh tế vĩ mô. Với hai tác động như vậy, chương trình phục hồi kinh tế có trở nên lạc hậu không và cần phải làm gì?

Đà phục hồi kinh tế "vấp" 2 lực cản

Tại Hội thảo trực tuyến về Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế 2022 - 2023, với chủ đề "Tăng tốc tiếp sức doanh nghiệp", các chuyên gia đều cho rằng, tình hình kinh tế trong nước và thế giới đã có nhiều thay đổi so với thời điểm Việt Nam ban hành Chương trình phục hồi kinh tế vào gần 3 tháng trước.

phuc-hoi-kte.jpg
Đà phục hồi kinh tế đang "vấp" phải hai lực cản.

TS. Võ Trí Thành phân tích: 2 năm vừa qua Việt Nam hứng chịu ảnh hưởng rất tiêu cực của đại dịch, nền kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng rất thấp. Đến năm nay, đà phục hồi kinh tế của Việt Nam lại đang vấp phải 2 vấn đề. 

Thứ nhất, đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới đang chững lại.

Trước đây khi chưa có chiến sự Nga và Ukrane, tăng trưởng đã giảm tốc, cùng với đó Mỹ đã điều chỉnh chính sách tiền tệ và co lại dần nên đã ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi nền kinh tế; đứt gãy chuỗi cung ứng, trừng phạt kinh tế giữa các nước. Những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam.

Bổ sung thêm vào vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng thừa nhận, trước đây đã như vậy, hiện, xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ có tác động tiêu cực hơn tới tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, về cơ bản cũng giống như tác động đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng và gia tăng chi phí sản xuất đầu vào, đe dọa đến sự bất ổn vĩ mô.

Do đó, rủi ro thứ hai là bất ổn kinh tế vĩ mô, trong đó là lạm phát rất lớn. 

Khi triển khai chương trình phục hồi kinh tế trong 2 năm (2022-2023) sẽ tạo áp lực lên lạm phát, thâm hụt ngân sách, nợ công. Do đó, người dân chuyển tiền sang kênh đầu cơ tài chính.

Theo tính toán mới nhất, nếu Việt Nam thực hiện chương trình phục hồi tốt tăng trưởng kinh tế vẫn tốt hơn so với mục tiêu đầu năm nay.

Nhiều tổ chức thế giới dự đoán Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7%. Nhưng nếu không thực hiện tốt, tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng gần 6%. Trong khi đó, mục tiêu lạm phát ở mức khoảng 4% sẽ khó khăn hơn. Chúng ta phải quyết liệt thực hiện phục hồi phát triển kinh tế. Bên cạnh đó cần phải có các kịch bản giảm thiếu các rủi ro tác động lên kinh tế vĩ mô.

Với hai "lực cản" như vậy, liệu chương trình phục hồi kinh tế có trở nên lạc hậu không? 

"Dù "vấp" phải lực cản nhưng chương trình phục hồi kinh tế này không trở nên lạc hậu, thậm chí càng cho thấy vai trò cấp thiết của Nhà nước trong việc hỗ trợ những khó khăn của doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng quan trọng là chính sách phát huy được tính kịp thời, có như vậy mới đạt được mục tiêu phục hồi kinh tế", ông Hiếu khẳng định.

Kết hợp hài hòa chính sách trong thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế

Về tiến độ triển khai chương trình phục hồi, TS. Võ Trí Thành cho rằng, tiến độ triển khai đã tốt hơn rất nhiều, nhất là sự phối hợp nhịp nhàng giữa Quốc hội và Chính phủ trong xây dựng, triển khai Chương trình. 

phuc-hoi-kte-1.jpg
Triển khai các gói hỗ trợ kịp thời cũng tạo cho doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách hỗ trợ thuận lợi, đúng thời điểm

Ví dụ mới nhất là Chính phủ đã ký tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Nghị quyết trên để cho ý kiến và thông qua theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định. Hay việc thực thi gói hỗ trợ cấp bù lãi suất sẽ trên cơ sở Nghị định, chứ không cần thông tư hướng dẫn như kế hoạch ban đầu… Việc xử lý "cú sốc" giá xăng dầu với sự vào cuộc của Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các cơ quan cũng rất quyết liệt.

Ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh, tổ chức sản xuất kinh doanh cũng linh hoạt, và các phương án phòng chống dịch thực hiện rất nghiêm, đã đảm bảo cung ứng điện cho các khu vực có dịch và chưa có lây nhiễm dịch. Khi nhu cầu điện cho sản xuất tăng cao cũng đã có những phương án điều tiết và đảm bảo được sản xuất đủ và an toàn.

Trên thực tế, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã vô cùng quyết liệt trong thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế, điều này thể hiện, trong vòng 20 ngày sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì Chính phủ đã ban hành chương trình chi tiết về phục hồi kinh tế. 

Và trong vòng 2 tháng vừa qua, Chính phủ 2 lần có công điện khẩn để đôn đốc thực hiện, qua đó thể hiện sự quyết liệt trong thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế. Theo đó có một số chính sách thực hiện rất sớm như chính sách VAT. 

Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách đã được thực thi sớm thì rất nhiều chính sách hiện nay vẫn đang trong quá trình xây dựng và chờ để triển khai. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của khu vực doanh nghiệp.

Để Chương trình phục hồi kinh tế mang lại hiệu quả tích cực, bên cạnh sự quyết liệt, linh hoạt, cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, cần có sự thống nhất của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai chương trình, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình phục hồi kinh tế có bị lạc hậu khi 'vấp' lực cản?