Doanh nghiệp Việt tận dụng kênh siêu thị để phục hồi

Trang Nhi| 07/03/2022 15:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị giúp các doanh nghiệp phục hồi, đảm bảo thương hiệu và chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Hai năm COVID-19 đã ảnh hưởng lớn tới kênh phân phối sản phẩm truyền thống, việc bán hàng qua các đại lý, tạp hoá, quán ăn, nhà hàng, khách sạn khá chậm chạp. Tâm lý của các kênh phân phối này đều chưa muốn lấy sản phẩm nhiều như trước đây do dịch bệnh phức tạp, khó dự đoán. 

sieu-thi-he-thong.jpg
Doanh nghiệp Việt tận dụng kênh siêu thị để phục hồi

Khó khăn lớn nhất hiện giờ của các DN khi nhắm vào thị trường tiêu thụ nội địa là đầu ra sản phẩm bị chậm lại. Còn nếu tập trung vào xuất khẩu thì chi phí logistics lại tăng quá cao, thời gian vận chuyển lâu, kiểm định chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ phức tạp... Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp hiện đang hướng tới kênh bán hàng qua các hệ thống siêu thị.

Tại hội thảo Kết nối đưa hàng hoá Việt Nam vào hệ thống siêu thị năm 2022 mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, kênh siêu thị không chỉ thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa, mà còn giúp các nhà sản xuất trong nước, nhất là nông sản Việt Nam hoàn thiện quy trình sản xuất, cách tiếp cận thị trường, đóng gói bao bì cũng như quảng bá đến người tiêu dùng theo xu hướng hiện đại. Theo đó, định vị giá trị thương hiệu của hàng Việt Nam tại thị trường trong nước cũng như nâng tầm cho hàng Việt Nam tại thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, phần lớn những doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khá lúng túng trong giai đoạn đầu đưa hàng vào siêu thị và thiếu tính chuyên nghiệp. Bởi lẽ chuỗi siêu thị hiện đại đều có tiêu chuẩn chặt chẽ, quản lý chất lượng, hồ sơ công bố, truy xuất nguồn gốc…

Do vậy, để có thể đưa hàng vào hệ thống siêu thị hiện đại nói chung, các doanh nghiệp sản xuất hàng hàng hóa cần nâng cao tính chuyên nghiệp, có bộ phận chuyên trách để nghiên cứu, thực hiện đầy đủ các quy định, yêu cầu khắt khe từ phía nhà nước như phải đảm bảo hồ sơ về an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tránh mất thời gian, công sức trong quá trình triển khai…

Phó Giám đốc phụ trách ITPC Trần Phú Lữ nhận định, đưa hàng hóa tham gia vào hệ thống mạng lưới siêu thị phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài là một kênh hiệu quả, bền vững bởi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài không chỉ có hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại liên tục được đầu tư mở rộng ở các thành phố lớn ở cả trong và ngoài nước mà còn dẫn đầu về chuyển đổi sang hình thức mua sắm trực tuyến.

Thời gian đầu, việc này có vẻ khó khăn nhưng về lâu dài, khi đã quen với yêu cầu, điều này giúp đảm bảo thương hiệu và đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng. 

Việc kết nối thường xuyên giữa doanh nghiệp sản xuất với hệ thống phân phối sẽ giúp cho các doanh nghiệp hiểu hơn về nhu cầu của chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; cung cấp thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật, xu hướng ứng dụng công nghệ mới trong đóng gói, bảo quản sản phẩm thực phẩm chế biến; kết nối để đưa hàng hoá của doanh nghiệp Việt vào hệ thống siêu thị. Qua đó, sẽ giúp cho doanh nghiệp dễ dàng đưa sản phẩm tiếp cận với lượng khách hàng sẵn có của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp Việt tận dụng kênh siêu thị để phục hồi