Từ năm 2019 đến nay, Chương trình ETEP đã bồi dưỡng 28.000 giáo viên cốt cán và 4000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán trong toàn quốc theo mô hình 5-3-7 hoặc 7-2-7.
Mới đây, Hội thảo nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP), ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông vững chắc; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời…
Theo đó, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phải nâng cao năng lực, phẩm chất để đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, đặc biệt là đáp ứng những đổi mới của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Giáo viên phải hướng dẫn học sinh về phương pháp học nhiều hơn. Học sinh phải tự học nhiều hơn, phải biết huy động tổng thể kiến thức, kỹ năng, tiềm lực của mình để thực hiện mục tiêu giáo dục.
Để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, một trong những điều kiện tiên quyết là phải bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông về phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, xây dựng kế hoạch bài dạy theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Theo Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP Nguyễn Ngọc Dũng: Bộ GDĐT thông qua Chương trình ETEP đã xây dựng 54 mô đun tài liệu bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.
Toàn bộ các mô đun bồi dưỡng đều hướng đến hỗ trợ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phát triển năng lực nghề nghiệp để triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cho đến thời điểm này, đội ngũ giáo viên cốt cán đã hoàn thành bồi dưỡng 5 mô đun quan trọng, đó là:
Hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018;
Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triên phẩm chất, năng lực học sinh;
Kiểm tra, đánh giá theo phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;
Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;
Tư vấn, hỗ trợ học sinh trong quá trình dạy học, giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Trong tháng 12/2021, đội ngũ cốt cán sẽ tiếp tục hoàn thành mô đun thứ sáu: “Ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông và công nghệ trong dạy học, giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”.
Ngay sau khi hoàn thành bồi dưỡng các mô đun trên, đội ngũ cốt cán đã triển khai hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đại trà trong toàn quốc bồi dưỡng theo hình thức tự học qua Hệ thống LMS kết hợp với sinh hoạt chuyên môn tại trường, cụm trường với sự hỗ trợ chuyên môn của các giảng viên chủ chốt từ các trường đại học sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục tham gia Chương trình ETEP.
Nhấn mạnh đây là mô hình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tiên tiến trên nền tảng công nghệ thông tin, lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng: Học các mô đun trên Hệ thống LMS với nguồn học liệu phong phú, có chất lượng tốt, kết hợp với sinh hoạt chuyên môn tại trường, cụm trường, thầy cô hoàn toàn chủ động thời gian, có thể học mọi lúc mọi nơi, phù hợp với kế hoạch cá nhân để phát triển nghề nghiệp thường xuyên, liên tục.
Còn theo chia sẻ của của Phó Giám đốc Sở GDĐT Quảng Ninh Nguyễn Văn Tuế, do cách bồi dưỡng hoàn toàn mới so với triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2006 nên ban đầu nhà trường, giáo viên còn bỡ ngỡ.
Nhưng với chỉ đạo của Sở GDĐT, sự phối hợp giúp đỡ của các trường đại học sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục, việc bồi dưỡng ngày càng đi vào nền nếp. Kết quả, tỷ lệ thầy cô được bồi dưỡng đại trà lớn ở các mô đun…
“Qua hoạt động này, cán bộ quản lý, giáo viên ngày càng thấy được vai trò, tầm quan trọng của việc tham gia đầy đủ, có chất lượng các nội dung bồi dưỡng, phục vụ công tác quản lý của nhà trường và công tác giảng dạy của giáo viên. Cần phải xuất phát từ nhu cầu của chính đối tượng được bồi dưỡng thì hoạt động bồi dưỡng mới đạt kết quả tốt nhất” - ông Nguyễn Văn Tuế cho hay.