Chương trình đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh còn nhiều bất cập

Đặng Hà| 31/08/2019 10:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT - Lê Hải An cho đến nay, số lượng giáo viên, giảng viên môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng, tỷ lệ chuẩn hóa đạt 48,2%.

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội nghị Sơ kết 05 năm thực hiện Quyết định 607/QĐ-TTg ngày 24/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020”.

Thứ trưởng Lê Hải An cho biết, sau 5 năm thực hiện Đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho các trường  trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020”, đội ngũ giáo viên, giảng viên môn Giáo dục quốc phòng và an ninh trưởng thành, có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng, Tổ quốc và nhân dân, có trình độ đạt chuẩn góp phần nâng cao chất lượng môn học trong nhà trường. Cho đến nay, số lượng giáo viên, giảng viên cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng, tỷ lệ chuẩn hóa đạt 48,2%.

Chương trình đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh còn nhiều bất cập

Thứ trưởng Lê Hải An phát biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh, Thứ trưởng Lê Hải An cũng cho biết những khó khăn, bất cập như sự vào cuộc của lãnh đạo cấp ủy các cấp trong triển khai thực hiện Đề án chưa đồng bộ, chưa quyết liệt đã dẫn tới số lượng đào tạo giáo viên, giảng viên chưa đạt mục tiêu đề ra. Chương trình đào tạo còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn; cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo khoa, giáo trình lạc hậu; chưa tạo thành phong trào thi đua dạy tốt, học tốt môn Giáo dục quốc phòng và an ninh giữa các cơ sở đào tạo.

Thứ trưởng Lê Hải An cho rằng, công tác đào tạo giáo viên, giảng viên Giáo dục quốc phòng và an ninh càng trở nên cấp bách, trong đó cần tiếp tục tăng cường triển khai có hiệu quả nội dung của Đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020”; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành các mục tiêu của Đề án.

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Quốc phòng An ninh, thực hiện Đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020”, cho đến nay đã có 1.734 học viên được đào tạo giáo viên Giáo dục quốc phòng và an ninh trình độ đại học (hệ chính quy 4 năm), trong đó đã có 379 học viên tốt nghiệp, 1.355 học viên đang theo học. Đào tạo Văn bằng 2 (hệ 18 tháng và 24 tháng) có tổng số chỉ tiêu đã tuyển là 1.561 học viên.

Chương trình đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh còn nhiều bất cập

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Đánh giá chất lượng đội ngũ học viên sau tốt nghiệp cho thấy các học viên được trang bị kiến thức đại cương, kiến thức chuyên nghiệp bao gồm kiến thức cơ sở ngành, kiến thức chuyên ngành Giáo dục quốc phòng và an ninh, kiến thức nghiệp vụ sư phạm. Bên cạnh đó, các học viên sau khi được đào tạo đều sử dụng thành thạo vũ khí bộ binh và hiểu biết các thiết bị quân sự khác, thuần thục các kỹ năng quan sự.

Để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, giảng viên Giáo dục quốc phòng và an ninh-, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình, chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo; đổi mới tổ chức phương pháp dạy - học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành Trung ương với các địa phương và các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Đề án và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh còn nhiều bất cập