Thời gian qua, nhiều người dân cảm thấy xót xa khi chứng kiến hàng nghìn m2 đất nông nghiệp tại khu đồng Láng giềng, thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ (Hà Nội) bị một doanh nghiệp "vùi lấp" để xây dựng lò giết mổ gia súc.
Chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định
Theo ghi nhận của PV, diện tích đất này là diện tích đất nông nghiệp được giao cho người dân theo Nghị định 64/NĐ-CP. Đặc biệt, đây là diện tích đất hai lúa, là “bờ xôi, ruộng mật” của nhân dân địa phương. Và diện tích này không nằm trong quy hoạch sử dụng đất năm 2018 của địa phương. Việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang các mục đích khác cần được các cơ quan chức năng cấp phép theo các quy định của pháp luật.
Cụ thể: Theo quy định tại Điều 134, Luật Đất đai 2013: “Nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Trường hợp cần thiết phải chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác thì Nhà nước có biện pháp bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa”.
Chính vì vậy, việc chuyển đổi đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, theo quy định của pháp luật, phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Cũng theo quy định tại Điều 193 Luật Đất đai năm 2013 thì tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản suất, kinh doanh phi nông nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
Có văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án. Mục đích sử dụng đối với diện tích đất nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với đất chuyên trồng lúa nước thì phải thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 134 của Luật Đất đai năm 2013.
Khi có đủ các điều kiện nêu trên, thì thực hiện việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điều 69 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.
Trường hợp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất.
Ngoài ra, theo Khoản 3, Điều 6, Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép với diện tích từ 0,5ha đến dưới 3ha, sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng; bên cạnh đó, buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Lò mổ gây ô nhiễm, bức xúc cho người dân
Được biết, trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội), cụ thể tại xã Phụng Châu có nhiều lò giết mổ gia súc tự phát gây ô nhiễm và bức xúc cho nhân dân.
Trả lời các cơ quan báo chí về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Hương, chuyên viên Phòng TN&MT huyện Chương Mỹ, cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã Phụng Châu có tồn tại 3 cơ sở tự phát với công suất giết mổ khoảng 650 đến 700 con/ngày đêm.
Về vấn đề này, ông Đặng Viết Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cũng chia sẻ: “Trước đó, các cơ sở giết mổ này từ Hà Đông di dời vào Phụng Châu và không có giấy tờ gì. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng xong kế hoạch cưỡng chế để trình UBND huyện phê duyệt. Nếu đúng đến ngày 30/4/2018 phía lò mổ không di dời thì UBND huyện sẽ tổ chức cưỡng chế”.
Theo kế hoạch đó, khu đồng Láng giềng, TT Chúc Sơn là địa điểm dự kiến xây một trong các cơ sở giết mổ này. Điều khó hiểu là, cách đó không xa một số khu, cụm công nghiệp có đầy đủ hệ thống điện, đường, nước sạch và hệ thống xử lý về môi trường khi doanh nghiệp đến không phải đầu tư và vẫn còn nhiều diện tích trống cần lấp đầy, nhiều chính sách trải thảm đỏ để đón doanh nghiệp đang được triển khai, nhưng UBND huyện Chương Mỹ lại không quy hoạch, định hướng về các khu, cụm công nghiệp mà lại đặt tại khu đồng Láng giềng.
Càng khó hiểu hơn nữa khi theo quy hoạch các địa điểm xây dựng khu vực giết mổ của huyện Chương Mỹ được phê duyệt trước đó cũng không có tên địa phương này.
Vậy UBND huyện Chương Mỹ nói gì về việc phá vỡ quy hoạch vùng giết mổ, các cơ quan chức năng như Sở NT&PTNT, Sở TN&MT, Sở Quy hoạch kiến trúc đã tham mưu những gì cho UBND TP Hà Nội về nội dung này, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Một số hình ảnh liên quan đến khu vực san lấp: