Doanh nghiệp - Doanh nhân

Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

PV 09/10/2024 - 18:42

Ngày 09/10, tại Hà Nội, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Đồng chí Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo.

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn và Lãnh đạo một số cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành cùng đại diện các doanh nghiệp.

dien-dan-dn-pl3.jpg
Diễn đàn tập trung thảo luận hai vấn đề lớn: Cùng giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất; Một số vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ.

Diễn đàn là hoạt động thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”.

Nội dung Diễn đàn tập trung thảo luận hai vấn đề lớn: Cùng giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất; Một số vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ.

pttg-long-pbieu.jpg
Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

“Tháo gỡ đến cùng” các khó khăn, vấn đề pháp lý mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết: Việc đổi mới tư duy xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật theo hướng tạo hành lang pháp lý, đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển được coi là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trong bối cảnh mới.

Để đáp ứng yêu cầu đó, cần thường xuyên rà soát, nhận diện và giải quyết các vấn đề pháp lý, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Do đó, Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Trên tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực phát triển, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp, trọng tâm là những giải pháp thúc đẩy xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật.

Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 04 Luật quan trọng về các lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, đã đề xuất Quốc hội đẩy sớm thời điểm có hiệu lực của 04 đạo luật liên quan đến đất đai, bất động sản từ ngày 01/8/2024, nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển các hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý các vấn đề pháp lý trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ này với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc, giảm thiểu rủi ro, chia sẻ lợi ích, hướng tới sự phát triển bền vững.

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp tổ chức ngày 21/9/2024 vừa qua, ông Nguyễn Hải Ninh mong muốn thông qua Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 sẽ cùng hướng tới 02 mục tiêu chính:

Một là, nhận diện được đúng và trúng các vấn đề tồn tại về pháp lý trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp đang trên đà khôi phục và phát triển hiện nay; làm rõ các vấn đề tồn tại đó xuất phát từ nguyên nhân nào? do quy định của pháp luật hay do tổ chức thi hành pháp luật (hay cả hai)?

Hai là, đưa ra được các giải pháp hữu hiệu, giải quyết ngay các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đang gặp vướng mắc, nhất là ở khía cạnh áp dụng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời, xác định rõ các định hướng để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển.

Với thông điệp “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”, Diễn đàn sẽ tiếp tục khẳng định cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, đó là luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn và chung tay cùng tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức.

"Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương khẳng định tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, “tháo gỡ đến cùng” các khó khăn, vấn đề pháp lý mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, thuận lợi một cách thực chất"- Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

dien-dan-dn-pl1.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại Diễn đàn

Chuyển tư duy quản lý sang tư duy khơi thông mọi nguồn lực

Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành, địa phương trong công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật - một trong ba đột phá chiến lược của nước ta.

Nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về đổi mới tư duy trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, Phó Thủ tướng cho rằng, Diễn đàn là hành động cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi tư duy quản lý sang tư duy khơi thông mọi nguồn lực.

Cũng theo Phó Thủ tướng, chúng ta còn khá nhiều vấn đề phải xử lý để đẩy mạnh hơn nữa phát triển sản xuất kinh doanh. Mục tiêu của Diễn đàn là chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý và tập trung lại hai nhóm vấn đề mà Ban tổ chức đã chọn để giải quyết.

Dẫn chứng sắp tới sẽ sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi 4 luật về đầu tư xây dựng cơ bản và Luật sửa đổi một số luật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ngân sách, Phó Thủ tướng lưu ý, vấn đề không nằm ở chỗ văn bản quy phạm không đúng hay vướng mắc trong tổ chức thi hành, mà có rất nhiều vấn đề cần chúng ta xử lý về quan điểm, cách tiếp cận, cách giải quyết vấn đề còn khác nhau. Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải căn chỉnh cho phù hợp.

dien-dan-dn-pl2.jpg
Các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Phó Thủ tướng cho rằng, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là tập hợp nhiều yếu tố. Trước hết là yếu tố trách nhiệm. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần xem xét có hành lang pháp lý làm sao đó để công chức trong hoạt động công vụ sẽ yên tâm làm việc. Như vậy, khi phát hiện ra vi phạm thì phải theo đúng nguyên tắc của pháp luật, đảm bảo sao chỉ có yếu tố vụ lợi, cố ý, có nhân- quả giữa hành vi phạm tội tới chừng mực nào đó mới xử lý như định hướng tại Quyết định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Về phía các doanh nhân, doanh nghiệp, cũng cần phát huy yếu tố đạo đức doanh nghiệp, doanh nhân. Doanh nghiệp cần làm theo pháp luật, nghiêm túc tuân thủ với một nền văn hóa doanh nhân tốt trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 sắp đến, Phó Thủ tướng chúc các doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phát đạt, đúng quy định của pháp luật, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước cũng như cho các chương trình an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp