Nhiều bluechip giao dịch sôi nổi trong tuần qua đã tạo động lực cho các chỉ số VN-Index chạm vào vùng đỉnh cũ 596 điểm. Tuy nhiên, cổ phiếu sinh lời nhiều nhất là nhóm đầu cơ.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 10 - 14.03.2014
Giao dịch: Chinh phục đỉnh cũ. VN-Index tăng điểm trở lại trong tuần giao dịch qua với mức tăng 2.95% lên 596.83 điểm, HNX-Index cũng tăng 2.76% lên 84.43 điểm; trong khi VS 100 tăng 3.39% lên 99.01 điểm và VN30 tăng 3.75% lên 669.7 điểm.
Chỉ số các nhóm Market Cap đều tăng điểm trong tuần qua. VS-Large Cap dẫn đầu mức tăng với 3.05%, tiếp theo là VS-Mid Cap tăng 2.66%, VS-Micro Cap tăng 1.73% và VS-Small Cap tăng 1.06%.
Giao dịch thị trường diễn ra sôi động hơn hẳn tuần trước. Trên sàn HOSE, khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng 17%, đạt tổng cộng 758.6 triệu đơn vị. Khối lượng giao dịch trên sàn HNX tăng 32.1%, đạt 496.8 triệu đơn vị.
Điểm đáng chú ý nhất đó là sắc xanh được duy trì trên thị trường trong suốt tuần giao dịch. Cảm hứng tăng điểm của thị trường vẫn xuất phát từ các cổ phiếu chủ chốt như VNM, MSN, VCB, GAS, BVH, PVD, VIC, SSI.... Đà tăng của nhóm cổ phiếu này diễn ra xoay vòng trong các phiên giao dịch và giúp duy trì sắc xanh và sự hứng khởi nhất định cho thị trường.
Việc các trụ đỡ giữ vững sắc xanh đã thúc đẩy dòng tiền đầu cơ tiếp tục hoạt động mạnh. Dòng tiền đầu cơ vẫn tập trung ở nhóm cổ phiếu đầu cơ quen thuộc như Bất động sản, Xây dựng, và nhóm Chứng khoán, Khai khoáng thu hút mạnh nhất dòng tiền trong tuần qua.
Mặc dù vậy, áp lực chốt lời cũng đã bắt đầu xuất hiện trong những phiên giao dịch cuối tuần, đặc biệt là khi VN-Index tiến sát vùng đỉnh cũ 596 điểm. Điều này đã khiến cho giao dịch diễn ra giằng co hơn. Tuy vậy, việc các cổ phiếu bluechip giữ vững đà tăng cùng sự sôi động của dòng tiền đầu cơ đã giúp duy trì sắc xanh của thị trường.
Nhà đầu tư nước ngoài: Bất ngờ tiếp tục bán ròng 302 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong tuần qua và có tác động không nhỏ lên tâm lý giới đầu tư và giao dịch thị trường. Tuy nhiên, việc khối ngoại vẫn duy trì lực mua ròng ở một số cổ phiếu như MSN, GAS đã giúp giảm bớt ảnh hưởng xấu lên các chỉ số thị trường.
Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng tổng cộng 163 tỷ đồng, tập trung mạnh nhất ở HAG với 82.5 tỷ đồng, DPM (60.7 tỷ đồng), KBC (44.6 tỷ), PVD (44.4 tỷ) và OGC (35.2 tỷ). Giao dịch mua ròng mạnh nhất diễn ra ở VNS với 96 tỷ đồng, và MSN (63.3 tỷ), KDC (35.2 tỷ). Đáng chú ý là giao dịch mua ròng ở VNS chủ yếu thông qua giao dịch thoả thuận, và nếu loại bỏ giao dịch đột biến này thì khối ngoại đã bán ròng tổng cổng gần 259 tỷ đồng trên HOSE.
Trên HNX, khối ngoại bán ròng với 40 tỷ đồng, chủ yếu ở PVS với 43 tỷ đồng, SHB (10.2tỷ), VND (9.1 tỷ). Trong khi đó, họ mua ròng mạnh nhất ở LAS với 7.7 tỷ đồng.
Khối tự doanh CTCK: Bán ròng gần 117 tỷ đồng. Tính đến phiên giao dịch Thứ Năm (13/03), khối tự doanh các CTCK tiếp tục bán ròng tổng cộng gần 6.4 triệu đơn vị, tương ứng với 117 tỷ đồng.
Hoạt động mua ròng chỉ được khối tự doanh CTCK thực hiện trong phiên giao dịch đầu tuần với gần 19 tỷ đồng. Tuy nhiên, họ đã nhanh chóng trở lại bán ròng trong các phiên giao dịch còn lại với lực bán mạnh.
Giao dịch của các CTCK vẫn tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechip khi trung bình lệnh mua – bán đạt lần lượt 25,500 đồng và 21,700 đồng/cp.
Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành tăng điểm chiếm ưu thế trong tuần qua với 16/24 ngành. Chứng khoán tăng mạnh nhất với 7.34%, tiếp theo là Khai khoáng tăng 7.25%, SX Thực phẩm - Đồ uống tăng 5.72%. Các nhóm cổ phiếu nóng cũng đều tăng điểm với Bất động sản tăng 5.32%, Xây dựng tăng 2.9%, Ngân hàng tăng 2.72%.
Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là AGR tăng 33.3%, PXL tăng 20%, MHC tăng 19.18% và QCG tăng 17.57%. Trên sàn HNX, cổ phiếu tăng điểm đáng chú ý là ORS tăng 32% và PVX tăng 28.26%.
AGR tăng 33.3%. AGR tăng mạnh trong tuần qua khi không có thông tin nào mới liên quan đến tình hình hoạt động được công bố. Nhiều khả năng AGR hưởng lợi từ việc dòng tiền đầu cơ đã đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu Chứng khoán trong tuần qua, khi giao dịch thị trường trở nên sôi động hơn.
Kết quả năm 2013 của AGR không mấy tích cực khi lợi nhuận chỉ đạt 19.8 tỷ đồng, giảm mạnh gần 70% so với năm trước.
PXL tăng 20%. PXL tăng mạnh trong tuần qua khi không có thông tin nào mới liên quan đến tình hình hoạt động được công bố. Nhiều khả năng dòng tiền đầu cơ đang đổ vào cổ phiếu này.
Kết quả năm 2013 của PXL cũng không mấy tích cực khi doanh thu chỉ đạt 24.5 tỷ đồng, giảm 69.3% so với năm trước và phát sinh khoản lỗ 5.4 tỷ đồng trong khi năm 2012 lời 0.2 tỷ đồng.
MHC tăng 19.18%. MHC tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng xuất phát từ thông tin tích cực liên quan đến việc con Thành viên HĐQT Bùi Đình Quý đăng ký mua lại 500,000 cp.
Kết quả kinh doanh năm 2013 của MHC cũng khá tích cực khi lợi nhuận sau thuế đạt 15.6 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2012.
QCG tăng 17.57%. QCG tăng mạnh trong tuần qua nhưng không có thông tin mới nào liên quan đến hoạt động kinh doanh. Nhiều khả năng dòng tiền đầu cơ đã đổ mạnh vào mã cổ phiếu này trong tuần qua.
Theo thông tin mới nhất thì QCG sẽ phát hành 2,927,267 cp để hoán đổi cổ phiếu của CTCP Đầu tư Phát triển Địa ốc Sài Gòn Xanh theo tỷ lệ 1.5:1.
ORS tăng 32%. ORS tăng mạnh trong tuần qua nhưng không có thông tin mới nào liên quan đến hoạt động kinh doanh. Nhiều khả năng ORS hưởng lợi từ việc dòng tiền đầu cơ đã đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu Chứng khoán trong tuần qua.
Kết quả năm 2013 của ORS không mấy tích cực khi lợi nhuận năm 2013 lỗ 117 tỷ đồng trong khi năm 2012 lời 0.4 tỷ đồng.
PVX tăng 28.26%. PVX tăng mạnh trong tuần qua nhưng không có thông tin nào liên quan đến hoạt động kinh doanh. Nhiều khả năng dòng tiền đầu cơ đã đổ mạnh vào mã cổ phiếu này trong tuần qua.
Dòng tiền đầu cơ nổi sóng ở PVX có thể xuất phát từ kỳ vọng PVX sẽ thoát lỗ trong năm 2014 nhờ việc thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình. Thông tin gần đây cho thấy, PVX cũng đã ký hợp đồng Gói thầu xây dựng số 6 (Civil 6) - Dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng giá trị 500 tỷ đồng.
Không có Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên cả hai sàn trong tuần qua.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Nguyễn Đức Cường (Phòng Nghiên cứu Vietstock)