Ngày 5/3 tới đây, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ chính thức mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng nghị của VKS và kháng cáo của các bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ liên quan đến hai cựu tướng Công an.
HĐXX trong phiên tòa xét xử phúc thẩm lần này gồm có 3 Thẩm phán, trong đó, Thẩm phán Nguyễn Vinh Quang làm chủ tọa phiên tòa và 2 Kiểm sát viên.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có 8 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Phan Sào Nam có 1 luật sư bào chữa là luật sư Hoàng Văn Hướng, đoàn luật sư TP. Hà Nội.
Trước đó, sau nhiều ngày xét xử và nghị án kéo dài, ngày 30/11/2018, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành tuyên án với các bị cáo.
Hai cựu tướng công an: Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tại phiên tòa sơ thẩm
Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phan Văn Vĩnh lĩnh án 9 năm tù và bị cáo Nguyễn Thanh Hóa lĩnh mức án 10 năm tù cùng về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Bị cáo Nguyễn Văn Dương, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty CNC lĩnh án 5 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc và 5 năm tù về tội Rửa tiền, tổng hình phạt chung cho cả hai tội danh, bị cáo Dương phải chấp hành là 10 năm tù. Bị cáo Phan Sào Nam, nguyên Chủ tịch kiêm TGĐ VTC Online lĩnh án 2 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc và 3 năm tù về tội Rửa tiền, tổng hình phạt chung cho hai tội danh bị cáo Nam phải chấp hành là 5 năm tù.
Với các bị cáo còn lại, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ lần lượt tuyên các hình phạt nghiêm khắc nhằm răn đe, giáo dục tội phạm và phòng ngừa chung. Ngoài ra, HĐXX còn kiến nghị 12 vấn đề với các Bộ, ngành và Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Phú Thọ để tiếp tục xác minh ở giai đoạn hai. Ngoài việc tuyên án với các bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ, HĐXX còn tuyên buộc hàng loạt các công ty có liên quan đến vụ án phải nộp lại số tiền đã thu lợi bất chính.
Tuy nhiên, sau đó VKSND tỉnh Phú Thọ đã có kháng nghị đối với bản án sơ thẩm số 55/2018/HS-ST ngày 30/11/2018 của TAND tỉnh Phú Thọ tuyên án đối với 92 bị cáo trong vụ đánh bạc nghìn tỷ liên quan đến hai cựu tướng Công an. Có 3 vấn đề VKSND kháng nghị, đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng sau:
Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án
Thứ nhất, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội có tổ chức” đối với 27 bị cáo phạm tội “Đánh bạc” trong diện từ đại lý cấp 1 trở lên.
Thứ hai, áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Tự nguyện khắc phục hậu quả” theo điểm b khoản 1 Điều 151 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cho các bị cáo đã khắc phục hậu quả từ ½ số tiền thu lời bất chính trở lên.
Thứ ba, không tịch thu tiền sử dụng vào việc đánh bạc của 43 bị cáo phạm tội đánh bạc.
VKSND tỉnh Phú Thọ cho rằng tại bản án sơ thẩm, TAND tỉnh Phú Thọ áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 BLHS sửa đổi năm 2009 “Phạm tội có tổ chức” đối với 27 bị cáo phạm tội “Tổ chức đánh bạc” trong diện tử đại lý cấp 1 trở lên; Phần nội dung không cho 36 bị cáo “Tự nguyện khắc phục hậu quả” được hưởng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS sửa đổi năm 2009; Phần áp dụng tịch thu tiền sử dụng vào đánh bạc của 43 bị cáo phạm tội đánh bạc.
Ngoài ra, trong vụ án còn có 36 bị cáo kháng cáo, nội dung chủ yếu là xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo hoặc xin phạt tiền, các bị cáo thuộc nhóm tội danh tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Tổng số các bị cáo vừa kháng cáo vừa kháng nghị có 83 bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam tại phiên tòa sơ thẩm
Dự kiến, phiên tòa xét xử phúc thẩm lần này sẽ được diễn ra trong khoảng 8 ngày (từ 5 -12/3/2018). Trong phiên tòa xét xử lần này, bị cáo Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương tiếp tục phải hầu tòa do VKS kháng nghị.