Chuẩn bị diễn ra “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021”

PV| 02/12/2021 21:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 2/12, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan chủ trì, phối hợp tổ chức Họp báo về chương trình “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững” và khai trương Trang thông tin điện tử Diễn đàn.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển; Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn đồng chủ trì họp báo.

hop-bao.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi họp báo.

Dự họp báo còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, các cơ quan, tổ chức hữu cùng đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế.

“Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững” sẽ được tổ chức vào ngày 05/12/2021 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, điểm cầu tại Nhà Quốc hội và 57 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; điểm cầu tại một số cơ quan trong nước và nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam và điểm cầu quốc tế.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam là 03 cơ quan chủ trì chính, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan bảo đảm tổ chức thành công Diễn đàn.

Giới thiệu tóm tắt về chương trình, nội dung Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết nền kinh tế của nước ta vẫn đang chịu tác động mạnh mẽ và tiêu cực của dịch COVID-19, đặc biệt từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư, đã ảnh hưởng cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đến tất cả các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế phải đối mặt với không ít rủi ro, nguy cơ, thách thức về lạm phát, thiếu nguyên, vật liệu đầu vào, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, lao động việc làm, an sinh xã hội, an ninh, trật tự xã hội…

Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã xác định: Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Nghị quyết đặt ra chỉ tiêu Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%. Nghị quyết số 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã xác định mức bội chi ngân sách nhà nước tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Để thực hiện thành công các nghị quyết của Quốc hội, cấp thiết, khẩn trương phải có các chính sách hỗ trợ cả về kinh tế và xã hội trên cơ sở phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của đất nước để bảo vệ thành quả đã đạt được trong thời gian qua, tránh nguy cơ tụt hậu và gia tăng khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới, đạt được các mục tiêu trước mắt cũng như trong dài hạn.

vu-hong-thanh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trao đổi với phóng viên về một số nội dung của Diễn đàn.

Xuất phát từ mong muốn và nhu cầu thực tiễn, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 được hình thành với mục tiêu “phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Thông qua Diễn đàn sẽ có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết thêm, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam mở rộng về nội dung, quy mô, không chỉ về các vấn đề kinh tế, mà còn đề cập sâu sắc về các vấn đề xã hội, môi trường.

Trong đó, một số mục tiêu, kết quả gắn với “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” là đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa, xã hội của người dân, doanh nghiệp trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới trong thời gian ngắn nhất. Lan tỏa, cũng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp cũng các nhà đầu tư. Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ theo lộ trình 02 năm trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để thích ứng “an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, mở rộng quy mô nền kinh tế, nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5 - 7%/năm. Điều hành các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư…

Nuôi dưỡng và củng cố nguồn thu cho ngân sách nhà nước trong trung và dài hạn, tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm tính chủ đạo của ngân sách trung ương, tăng tính chủ động của ngân sách địa phương; duy trì ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng, trọng tâm là hệ thống ngân hàng, phát triển cân bằng hơn giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ.

Phát triển thị trường lao động, tạo việc làm, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng lực lượng lao động. Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19…

 Diễn đàn được chia thành 02 phiên. Phiên toàn thể buổi sáng, Tọa đàm cấp cao với chủ đề “một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”. Phiên buổi chiều gồm 02 chuyên đề, chuyên đề 01 về “phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”, chuyên đề 2 về “bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.

Cũng tại họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã giới thiệu Trang thông tin điện tử Diễn đàn Kinh tế Việt Nam. Ông chô biết, để góp phần tuyên truyền hiệu quả về ý nghĩa, mục đích, chương trình, nội dung của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 tới đông đảo cử tri, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, tại cuộc họp báo hôm nay, Ban Tổ chức giới thiệu website chính thức của Diễn đàn với tên miền diendankinhte.quochoi.vn.

Website được thiết kế hiện đại, với 2 ngôn ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh, là công cụ để Ban Tổ chức tổng hợp, cung cấp các thông tin chính thống về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam không chỉ trong năm 2021 mà còn duy trì vận hành, cập nhật thông tin cho các kỳ tổ chức Diễn đàn tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị diễn ra “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021”