Chưa triển khai dự án khu lưu niệm trăm tỷ tại Thanh Hóa

Thanh Phương| 30/06/2021 09:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước nhiều luồng thông tin và trong thời điểm phải căng mình phòng, chống dịch Covid- 19, nên tỉnh Thanh Hóa tạm thời chưa triển khai thực hiện Dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc tại Sầm Sơn.

Được biết, Dự án Khu lưu niệm do UBND TP Sầm Sơn làm chủ đầu tư, thực hiện từ nay đến năm 2023 với tổng mức đầu tư 255 tỷ đồng (giảm hơn 35,5 tỷ đồng so với quyết định phê duyệt ban đầu); nguồn vốn trích từ ngân sách tỉnh Thanh Hóa và các nguồn xã hội hóa khác; dự kiến khởi công vào đầu quý 4/2021 tại phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn.

Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân và đình trệ sản xuất, mọi nguồn lực đang cần tập trung cho công tác phòng, chống Covid-19 nên dự án này chưa được xem xét triển khai.

phoicanhtd.jpg
Phối cảnh Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc

Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc có quy mô hơn 40.000 m2, chia làm ba phân khu chức năng. Khu A của công trình gồm các hạng mục: Tượng đài Con tàu tập kết và phù điêu lớn hình cánh cung, nhà trưng bày hiện vật, đón tiếp kết hợp chiếu phim tư liệu và các công trình phụ trợ. Khu B là nơi tái hiện lại hình ảnh những lán trại, nơi ăn ở sinh hoạt của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết, giếng nước, cây xanh cảnh quan... Khu C là công viên văn hóa du lịch. Ngoài ra công trình còn có các tuyến giao thông kết nối giữa các phân khu được gọi là con đường ký ức bằng gốm sứ với chiều dài 1,4 km.

Theo thiết kế, tượng đài là tác phẩm nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc tạo hình. Chất liệu xây dựng tượng đài là đá khối granite kết hợp bê tông cốt thép, đồng đúc và các vật liệu xây dựng phù hợp khác. Phù điêu lớn hình cánh cung được xây dựng bằng chất liệu đồng đúc, kết hợp đá khối granite, vật liệu trang trí bền vững, bê tông cốt thép.

Trong trong lòng tượng đài sẽ xây dựng không gian trưng bày, là một bảo tàng thu nhỏ mô phỏng các con tàu của Ba Lan, Liên Xô (cũ)... đã tham gia vận chuyển cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết có thành tích xuất sắc, tiêu biểu...

Thời điểm sau Hiệp định Genève 1954, chính quyền và nhân dân Sầm Sơn cùng nhiều địa phương ở Thanh Hóa đã đón tiếp hàng trăm nghìn cán bộ, bộ đội, học sinh, sinh viên, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Trong bảy đợt (từ ngày 15/10/1954 đến 1/5/1955) đã có 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam tập kết tại Thanh Hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa triển khai dự án khu lưu niệm trăm tỷ tại Thanh Hóa