Chủ tịch đương nhiệm của Quốc hội Pháp, bà Yaël Braun-Pivet, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng ba và cũng là vòng cuối cùng tại cơ quan lập pháp này vào ngày 18/7.
Chính trị gia trung dung Yaël Braun-Pivet, một đồng minh trung thành của Tổng thống Emmanuel Macron, đã giành được nhiệm kỳ Chủ tịch Quốc hội thứ hai trong một chiến thắng sít sao trước ứng cử viên từ liên minh Mặt trận Bình dân Mới (NFP) cánh tả.
Bà Braun-Pivet giành được 220 phiếu bầu trong khi đối thủ chính của bà, nhà lập pháp kỳ cựu của Đảng Cộng sản Pháp André Chassaigne, nhận được 207 phiếu bầu trong một cuộc đua sít sao và phải trải qua ba vòng bỏ phiếu.
Bà nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh trung dung của Tổng thống Macron và một số nhà lập pháp bảo thủ muốn ngăn cản ứng cử viên cánh tả Chassaigne giành được vị trí này.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội họp kể từ cuộc bầu cử lập pháp bất ngờ diễn ra vào tháng này, trong đó NFP bất ngờ giành vị trí đầu tiên, trước đảng trung dung của Macron và đảng cực hữu của Marine Le Pen, nhưng không có nhóm nào giành được đa số phiếu.
Các đồng minh trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron cho biết chiến thắng của bà Braun-Pivet cho thấy khối của họ có đa số phiếu đơn giản và Thủ tướng tiếp theo của Pháp “nên xuất thân từ hàng ngũ của họ”.
Chủ tịch Quốc hội Pháp chỉ đạo tranh luận và bổ nhiệm ba trong chín thành viên của Hội đồng Hiến pháp, cơ quan quyết định luật có tuân thủ hiến pháp hay không. Chủ tịch giữ chức vụ cao thứ tư trong Chính phủ sau Tổng thống, Thủ tướng và Chủ tịch Thượng viện.
Các cuộc đàm phán để đề cử một ứng cử viên Thủ tướng từ liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới đã bị đình trệ kể từ khi khối này giành được nhiều ghế nhất - nhưng không đảm bảo được đa số rõ ràng - trong vòng bầu cử thứ hai diễn ra vào ngày 7/ 7.
Số ghế trong Quốc hội được chia thành ba khối: liên minh Mặt trận Bình dân Mới cánh tả , phe trung hữu của Tổng thống Emmanuel Macron và đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu của Marine Le Pen.
Hôm thứ Ba, ông Macron đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Gabriel Attal và các bộ trưởng khác nhưng yêu cầu ông và các quan chức chính phủ khác tiếp tục giữ chức vụ tạm quyền cho đến khi chính phủ mới được bổ nhiệm.
Nước Pháp rơi vào tình trạng bất ổn chính trị khi Tổng thống Macron giải tán Quốc hội vào ngày 9 tháng 6 và kêu gọi bầu cử lập pháp bất ngờ sau khi Đảng Tập hợp Quốc gia giành chiến thắng trước liên minh của ông trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.