Chính trị

Chủ tịch Quốc hội: Nỗ lực, khẩn trương sớm triển khai thi hành luật, nghị quyết

Duy Tuấn 07/03/2024 - 13:04

Các cơ quan đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, quyết liệt khắc phục mọi khó khăn, thách thức, nhất là sức ép về mặt tiến độ, phạm vi, khối lượng công việc để nỗ lực khẩn trương sớm triển khai thi hành luật, nghị quyết

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sáng ngày 07/3/2024, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc lần thứ hai triển khai Luật, Nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

ctqh2.jpeg
Toàn cảnh Hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Trí, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Công an; các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ban kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa kọc Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Ủy ban Dân tộc, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ, các bộ và cơ quan ngang bộ.

Không ban hành “giấy phép con” trong tổ chức thực hiện

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 09 luật và 11 nghị quyết quan trọng, có tác động sâu rộng đến xã hội và chính sách kinh tế vĩ mô của đất nước, có ý nghĩa không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024, 2025, mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài trong giai đoạn tiếp theo.

ctqh1.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

“Đặc biệt, với việc thông qua Luật Đất đai, Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của nhiệm kỳ. Các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường thứ 5 đã quy định những vấn đề căn bản về đất đai; nhà ở; kinh doanh bất động sản; tài nguyên nước; viễn thông; các tổ chức tín dụng; căn cước; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước; kế hoạch đầu tư công trung hạn…

Chất lượng các luật, nghị quyết sau khi được ban hành bước đầu nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của Nhân dân, cử tri, đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước” Chủ tịch Quốc hội nói .

Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Tình hình thực tế và báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ và các tham luận tại Hội nghị cho thấy đã có chuyển biến tích cực trong công tác triển khai luật, nghị quyết, nhất là sau thành công của Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất.

Các cơ quan đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, quyết liệt khắc phục mọi khó khăn, thách thức, nhất là sức ép về mặt tiến độ, phạm vi, khối lượng công việc để nỗ lực khẩn trương sớm triển khai thi hành luật, nghị quyết”.

Lưu ý, khối lượng công việc cần tiếp tục thực hiện là rất lớn, đặc biệt nhiều luật của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường thứ 5 có số lượng điều luật, nội dung giao Chính phủ, các cơ quan quy định vừa nhiều (gần 400 nội dung, đặc biệt là Luật Đất đai với hơn 100 nội dung) vừa khó (như: nội dung về sandbox - cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong Luật Viễn thông, Luật Các tổ chức tín dụng), vừa đòi hỏi cao về tiến độ (có nội dung áp dụng luôn từ 01/4/2024; cả 3 đạo luật lớn Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đều có hiệu lực đồng thời từ 01/01/2025 nên đòi hỏi tất cả các văn bản quy định chi tiết phải được ban hành đồng bộ), vừa quy định nhiều chính sách mới, đặc thù, các nhiệm vụ, quyền hạn mới theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cơ quan….

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường thứ 5 được nêu cụ thể trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sớm ban hành Danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 5 và phân công cụ thể cơ quan chủ trì soạn thảo, gắn với thời hạn hoàn thành.

“Đặc biệt, khẩn trương xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết các luật có mối quan hệ mật thiết với nhau như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,.. không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, “giấy phép con” trái quy định trong tổ chức thực hiện” Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Hướng dẫn người dân và công chức hiểu, thi hành đúng pháp luật

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định.

ctqh3.jpeg
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu biên soạn, xuất bản sách: Luật Đất đai – Hỏi và Đáp để đáp ứng yêu cầu phổ biến, tuyên tuyền pháp luật.

Tổ chức tập huấn nghiệp vụ bằng các hình thức phù hợp cho đội ngũ công chức được giao tổ chức thi hành, nhất là đối với các luật chuyên ngành có nhiều nội dung mới, phức tạp như Luật Viễn thông, Luật Căn cước, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng,…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong thi hành pháp luật; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.

Chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: “Chủ động xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vấn đề phát sinh tại địa phương trong quá trình thi hành luật, nghị quyết; kịp thời báo cáo, đề xuất phương án đối với những vấn đề có vướng mắc để cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, xem xét, xử lý và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định trong trường hợp cần thiết.

Hội đồng nhân dân các cấp nghiên cứu tổ chức hội nghị hoặc cách thức phù hợp để quán triệt, triển khai nội dung luật, nghị quyết, tập trung vào những nội dung, nhiệm vụ được triển khai tại địa phương mình và những nhiệm vụ, quyền hạn được giao cho chính quyền địa phương thực hiện”.

pct-nkdinh.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết của Quốc hội; tham gia phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân bằng các hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật; vận động, động viên các tầng lớp Nhân dân thực hiện luật, nghị quyết.

Sớm cấp thẻ Căn cước, Căn cước điện tử cho người dân

Trước đó, Hội nghị đã nghe 6 báo cáo tham luận của Quốc hội và Chính phủ, 8 ý kiến phát biểu thảo luận của các cơ quan Trung ương, khối hành chính, khối tư pháp, các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội doanh nghiệp và ở địa phương.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định “các ý kiến rất sâu sắc và toàn diện, đóng góp những kinh nghiệm, đề xuất nhiệm vụ trọng tâm, đưa ra các giải pháp để triển khai kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết đã được thông qua.

Quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chỉnh phủ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, thực hiện phân cấp, phân quyền theo đúng quy định; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cả về nguồn nhân lực, điều kiện bảo đảm.

Tăng cường công tác tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định…

Đáng chú ý, trong số 9 luật, đối với việc triển khai Luật Căn cước, cần khẩn trương thiết kế, hoàn thiện mẫu thẻ Căn cước, giấy chứng nhận căn cước, Căn cước điện tử, các biểu mẫu, giấy tờ liên quan; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định; xem xét đầu tư máy móc, phương tiện, trang thiết bị cần thiết và tổ chức tập huấn, vận hành hệ thống kỹ thuật phục vụ cấp thẻ Căn cước, giấy chứng nhận căn cước, Căn cước điện tử để kịp thời triển khai thực hiện khi Luật có hiệu lực, quy định chi tiết các nội dung được Luật giao.

ptttlquang.jpeg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Báo cáo việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, đa số các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện lồng ghép nội dung chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến luật, nghị quyết mới trong kế hoạch công tác PBGDPL năm 2024; 27/63 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch, công văn hướng dẫn phổ biến các luật, nghị quyết mới; các bộ, cơ quan ngang bộ đã tổ chức các hội nghị tập huấn, biên soạn tài liệu phục vụ việc phổ biến, giới thiệu luật, nghị quyết đến người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trên cơ sở nền tảng các ứng dụng báo chí trên mạng xã hội, các website, các bộ, cơ quan ngang bộ cũng có những biện pháp để đẩy mạnh truyền thông, đưa nội dung luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho biết “Nhiều vấn đề khó, phức tạp không thể quy định trong luật, giao xuống Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quy định chi tiết dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức soạn thảo, ban hành. Hoạt động phổ biến các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới tại một số bộ, ngành, địa phương còn triển khai chưa kịp thời”.

Hệ thống Toà án tích cực xây dựng các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật

Tham luận tại Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng cho biết, thời gian qua, để triển khai thi hành các luật và nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, TANDTC đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng trong TANDTC cũng như các Tòa án địa phương, tập trung quán triệt phổ biến những nội dung, tinh thần của các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua tới toàn thể thẩm phán, cán bộ, công chức, đặc biệt là các cán bộ có chức danh tư pháp trong TAND.

pct-hung.jpeg
Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng phát biểu tại Hội nghị.

“Đồng thời, TANDTC cũng yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát các nội dung có liên quan tới TAND để qua đó có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. TANDTC cũng chỉ đạo các đơn vị lựa chọn các vấn đề mới, nội dung mới, có liên quan trực tiếp đến công tác xét xử của các Tòa án để tiến hành quán triệt, thống nhất về nhận thức trong toàn hệ thống thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến tới tất cả các Tòa án trong cả nước”, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng nói.

Liên quan tới việc thực hiện nhiệm vụ lập pháp của TANDTC trong thời gian qua, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng cho rằng, “việc tham gia hoàn thiện thể chế là một nhiệm vụ quan trọng, luôn được lãnh đạo TANDTC quan tâm chỉ đạo”.

Bên cạnh việc tham gia chủ trì soạn thảo những dự án luật về tổ chức hay tố tụng tư pháp mang tính chất thông lệ, thời gian qua TANDTC đã đề xuất với Quốc hội xem xét thông qua một số dự án luật, nghị quyết liên quan đến vấn đề đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, cụ thể như Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án hay đề xuất Nghị quyết về xét xử trực tuyến, tham gia hoàn thiện chính sách pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Về các nhiệm vụ đang triển khai thực hiện hiện nay, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng cho biết, TANDTC đang xây dựng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đang trình Quốc hội và Quốc hội đã thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, “hiện đang tổng hợp ý kiến để phối hợp với các cơ quan chức năng của Quốc hội giải trình, xin ý kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới”.

“Đây là một dự án luật bao gồm rất nhiều quy định để thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 27 về xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, trong đó đề xuất những vấn đề như: làm rõ nội hàm quyền tư pháp, đảm bảo nguyên tắc tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, làm rõ thẩm quyền xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, thành lập các Tòa án chuyên biệt…”, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng nhấn mạnh.

Dự án luật thứ hai mà TANDTC đang chủ trì xây dựng là Luật Tư pháp người chưa thành niên. Theo Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng: “Hiện TANDTC đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn trong nước và quốc tế, tổ chức nhiều đoàn học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, tổ chức hội nghị trực tuyến trên toàn hệ thống để lấy ý kiến về những vấn đề cơ bản của dự án luật”.

Cho đến nay, Tòa án đã gửi xin ý kiến của Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan, dự kiến sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền vào tháng 4 năm 2024.

Đây cũng là một dự án luật có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành, tổng hợp những quy định liên quan đến xử lý trách nhiệm hình sự người chưa thành niên nằm rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau để đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội: Nỗ lực, khẩn trương sớm triển khai thi hành luật, nghị quyết