Chủ tịch nước nhấn mạnh nội dung trên và nêu rõ, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, hoàn thành mục tiêu kép để kinh tế chóng phục hồi, thu nhập sẽ tăng trở lại và nhiều việc làm mới sẽ tạo ra nhằm bù đắp giai đoạn khó khăn.
Sáng 28/4, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886-1/5/2021), phát động Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới dự và có phát biểu tại buổi lễ.
Tham dự có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ban, Bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.
Giai cấp công nhân không ngừng lớn mạnh về số lượng, chất lượng
Trong diễn văn kỷ niệm, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã ôn lại truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân thế giới, trong đó có đóng góp của giai cấp công nhân Việt Nam và ý nghĩa to lớn của Ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Theo đồng chí Nguyễn Đình Khang, suốt 135 năm qua, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới luôn khẳng định vị thế cách mạng, đi đầu trong mọi trào lưu, xu hướng tiến bộ trên toàn cầu. Tại Việt Nam, ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã trở thành ngày lễ quốc gia với Sắc lệnh số 22c do Chủ tịch Hồ Chí Minh kí ban hành vào ngày 18/2/1946 và Sắc lệnh số 56 ngày 29/4/1946 quy định cụ thể, chi tiết hơn về việc hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5.
Sau 35 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành, nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện khát vọng dân tộc.
Năm 2021, kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5), 75 năm Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức trọng thể lần đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội của nước Việt Nam độc lập, cũng là năm thứ 10 các cấp Công đoàn triển khai “Tháng Công nhân” theo kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chọn chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, phát triển” gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung vào các Chương trình: “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” - tuyên dương đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; “Lắng nghe - Thấu hiểu - Chia sẻ”; các hoạt động “Cảm ơn người lao động”. Đến nay, Chương trình: “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” đã nhận được hơn 245 nghìn sáng kiến của công nhân, viên chức, lao động cả nước…
Hoạt động Tháng Công nhân qua 9 năm tổ chức đã dần đi vào chiều sâu, tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là những lao động yếu thế, gặp nhiều khó khăn, công nhân tại các khu công nghiệp gắn với các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức chính trị, kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật của người lao động, thu hút sự quan tâm, đồng thuận của các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp.
Từ phương châm “Mỗi công đoàn cơ sở - Một lợi ích đoàn viên”, các cấp Công đoàn đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, đề xuất và tổ chức nhiều hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động. Qua các chương trình “Mái ấm Công đoàn”, “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình”, “Phúc lợi đoàn viên”… số công nhân lao động được chăm lo ngày càng nhiều hơn, tăng dần qua từng năm. Ước tính, đến nay đã có hàng chục triệu lượt công nhân lao động được thăm hỏi, tặng quà, khám sức khỏe… trong dịp Tháng Công nhân với số tiền hàng chục nghìn tỉ đồng.
Đặc biệt, từ năm 2016, vào dịp Tháng Công nhân hằng năm, Tổng Liên đoàn tham mưu đề xuất tổ chức Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động. Đến nay, người đứng đầu Chính phủ đã 6 lần trực tiếp gặp gỡ lắng nghe, chỉ đạo giải quyết những khó khăn, bất cập trong chính sách để chăm lo tốt hơn cho công nhân, viên chức, lao động.
Sớm xây dựng chương trình hành động của Công đoàn Việt Nam
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức công đoàn.
Đặc biệt là sau 30 năm đổi mới, công nhân và người lao động đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, các lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện khát vọng dân tộc.
Chủ tịch nước biểu dương các cấp Công đoàn đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư luôn nỗ lực, sáng tạo triển khai các hoạt động có ý nghĩa để gần 10 năm qua Tháng Công nhân thực sự trở thành những ngày hội của công nhân, viên chức, lao động cả nước. Chủ tịch nước đánh giá cao các sáng kiến của đoàn viên, người lao động cả nước vì sự lớn mạnh của doanh nghiệp của cơ quan, đơn vị và sự phát triển của đất nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chúng ta rất thấu hiểu những khó khăn vất vả mà người mọi người công nhân nói riêng và người lao động nói chung đã và đang trải qua trong bối cảnh Việt Nam cũng như toàn thế giới đang đấu tranh phòng, chống dịch COVID-19, mất việc làm, thu nhập, giảm sút các chế độ phúc lợi bị cắt giảm, đặc biệt cuộc sống của những người lao động ở khu vực phi chính thức sẽ còn khó khăn hơn.
Đảng, Nhà nước rất quan tâm, thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, hoàn thành mục tiêu kép để kinh tế chóng phục hồi, thu nhập sẽ tăng trở lại và nhiều việc làm mới sẽ tạo ra không chỉ bù đắp cho giai đoạn vừa rồi mà còn tạo ra sức bật lò cho sự phát triển tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững."
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị Tổ chức Công đoàn cần sớm xây dựng chương trình hành động của Công đoàn Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đảm bảo khoa học cụ thể, khả thi. Trong đó, tập trung lựa chọn các nội dung liên quan trực tiếp đến lao động, công đoàn, phát huy vai trò nòng cốt tiên phong của giai cấp công nhân và đội ngũ công nhân, viên chức, lao động cả nước. Cùng với đó, các cấp Công đoàn cần tiếp tục đổi mới cách thức hoạt động hướng đến thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân.
Tại buổi Lễ, thay mặt Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2021 với chủ đề "Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ, rủi ro về An toàn, vệ sinh lao động và tham gia của an toàn vệ sinh viên."