Chiều 18/11, lễ đón chính thức các nhà lãnh đạo các nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tới tham dự Tuần lễ cấp cao lần thứ 23 của Diễn đàn APEC được tổ chức trọng thể tại Trung tâm hội nghị quốc tế tại thủ đô Manila, Philippines.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III chủ trì lễ đón. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự lễ đón và chụp ảnh lưu niệm với các nhà Lãnh đạo APEC.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự tiệc trưa cùng lãnh đạo các nước thành viên TPP bên lề Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 23. Ảnh: TTXVN
Ngay sau đó, đã diễn ra đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với các thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC). Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Thủ tướng New Zealand John Key, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla và Trưởng đại diện Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) Mike Froman đồng chủ trì một nhóm đối thoại với các doanh nghiệp thành viên ABAC.
Các nhà lãnh đạo và các doanh nghiệp tập trung thảo luận các biện pháp tăng cường đối tác công - tư nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, tăng trưởng bền vững, bao trùm và phát triển dịch vụ. Trong phát biểu tại đối thoại, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc thực hiện thành công các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh những nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam để bảo đảm tăng trưởng đồng đều cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cũng trong chiều 18/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Đối thoại không chính thức lần đầu tiên của các nhà lãnh đạo APEC với Liên minh Thái Bình Dương, gồm bốn nền kinh tế Mỹ Latinh là Peru, Mexico, Chile và Colombia. Đối thoại được tổ chức theo sáng kiến của chủ nhà Philippines.
Trong phát biểu tại đối thoại, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ ủng hộ tăng cường phối hợp giữa APEC và Liên minh Thái Bình Dương, và nhấn mạnh, trong cục diện liên kết kinh tế đa tầng nấc hiện nay, hai cơ chế cần tăng cường phối hợp, bổ trợ lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi.
Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam sẵn sàng cùng các thành viên APEC tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp hiệu quả với các cơ chế đa phương khác, trong đó có Liên minh Thái Bình Dương và Cộng đồng ASEAN. Chủ tịch nước cũng đã đề xuất một số lĩnh vực cụ thể các thành viên của hai diễn đàn có thể tăng cường hợp tác.
Tối cùng ngày, tại Trung tâm Thương mại châu Á (Mall of Asia), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân Mai Thị Hạnh cùng các thành viên đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã dự tiệc chiêu đãi trọng thể và chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc chào mừng các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC và các phu nhân, do Tổng thống Philippines Benigno Aquino III chủ trì.
Cùng ngày, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tại Manila, Philippines, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các cuộc gặp với Tổng thống Peru, Thủ tướng Malaysia, tiếp Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc).
Tại cuộc gặp với Tổng thống Peru Ollanta Humala, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Peru. Để tăng cường quan hệ hợp tác thực chất và hiệu quả, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị hai bên sớm đưa vào hoạt động Ủy ban liên chính phủ về các vấn đề kinh tế và hợp tác kỹ thuật, đàm phán ký kết hiệp định khung về thương mại và đầu tư.
Hai bên nhất trí trao đổi kinh nghiệm để thực thi hiệu quả các cam kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi hiệp định này có hiệu lực. Với việc Peru và Việt Nam là chủ nhà APEC lần lượt trong các năm 2016 và 2017, giai đoạn bản lề đối với việc khởi động thực hiện các chiến lược liên kết then chốt của APEC và các mục tiêu Bogor 2020, hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ ủng hộ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công các năm APEC 2016 và 2017.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trân trọng mời Tổng thống Ollanta Humala sớm thăm Việt Nam. Tổng thống Ollanta Humala cảm ơn và sẽ thu xếp thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Malaysia Najib Razak, Chủ tịch nước nhấn mạnh năm 2015 là dấu mốc rất quan trọng khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Hai bên nhất trí cụ thể hóa và triển khai các nội hàm Đối tác chiến lược, sớm tổ chức phiên họp lần thứ 5 Ủy ban Hỗn hợp về kinh tế, khoa học, kỹ thuật; thúc đẩy hoàn tất rà soát các thủ tục nội bộ để sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định TPP, tăng cường trao đổi kinh nghiệm về nâng cao năng lực thực thi hiệp định này.
Chủ tịch nước đánh giá cao Malaysia trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2015 đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực. Thủ tướng Malaysia cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Malaysia hoàn thành tốt vai trò này trong thời điểm Cộng đồng ASEAN sắp hình thành. Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã chuyển lời thăm hỏi và trân trọng mời Nhà vua Malaysia sớm thăm Việt Nam.
Tiếp Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lương Chấn Anh, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng quan hệ hợp tác Việt Nam - Hong Kong có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục, giao lưu nhân dân, cùng với sự phát triển của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Chủ tịch nước nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn, khuyến khích các doanh nghiệp Hong Kong mở rộng đầu tư, kinh doanh với Việt Nam để tranh thủ những cơ hội khi Việt Nam là thành viên của Cộng đồng ASEAN, Hiệp định TPP và nhiều FTA lớn khác; hoan nghênh thúc đẩy đàm phán FTA ASEAN – Hong Kong; đề nghị Hong Kong sớm dỡ bỏ cảnh báo du lịch đến Việt Nam.
Ông Lương Chấn Anh nhấn mạnh Hong Kong đang đầu tư phát triển mạnh cơ sở hạ tầng để tăng cường kết nối kinh tế với khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; khẳng định sẽ tạo thuận lợi cấp thị thực cho công dân Việt Nam sang Hong Kong du lịch, làm việc, khuyến khích các trường đại học Hong Kong tiếp nhận sinh viên Việt Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh ông Lương Chấn Anh sang thăm và dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam.