Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Công tác cải cách tư pháp của Tòa án có vai trò quyết định

Mai Đỉnh| 16/10/2021 08:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chủ tịch nước khẳng định, công tác cải cách tư pháp của Tòa án có vai trò quyết định bởi Tòa án là cơ quan giữ vị trí trung tâm trong hệ thống các cơ quan tư pháp, nơi thể hiện kết quả hoạt động cuối cùng của công tác tư pháp.

Ngày 15/10, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương có buổi làm việc với Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC.

Tham dự buổi làm việc còn có các đồng chí: Lê Thị Nga, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Lê Thành Long, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Lê Khánh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương; cùng đại diện VKSNDTC, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Về phía TANDTC có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC; các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC, thành viên Hội đồng Thẩm phán, cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc TANDTC.

chu-tich-nuoc-toa-an1.jpg
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương làm việc với Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC.

Xây dựng nền tư pháp công khai, minh bạch phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân

Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện cải cách tư pháp tại TAND và định hướng những năm tiếp theo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, các Tòa án đã thụ lý hơn 2,4 triệu vụ việc, giải quyết được 97,6% số vụ. Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội.

Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính bảo đảm khách quan, đúng pháp luật.

Tòa án đã trình Chủ tịch nước ký Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho hơn 20.000 phạm nhân đang chấp hành án tù; 231 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù và 19 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện được hưởng đặc xá. Quá trình thực hiện quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước đảm bảo chặt chẽ, công khai, công bằng, minh bạch, dân chủ và đúng pháp luật. 

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, các Tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm hơn 7.400 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng với 14.540 bị cáo phải nhận những hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

Trong công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật, TANDTC đã chủ trì xây dựng 09 dự án luật (đặc biệt là xây dựng, hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tạo ra cơ chế mới để giải quyết hòa thuận, hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội mà không phải đưa ra xét xử, tiết kiệm nguồn lực xã hội, đem lại lợi ích thực chất cho người dân).

Việc Thi hành Luật Tổ chức TAND, TANDTC đã triển khai thành lập Tòa án 04 cấp, hoạt động của 04 cấp Tòa án dần đi vào ổn định và phát huy tác dụng của mô hình tổ chức Tòa án mới. Công tác hợp tác quốc tế không ngừng được tăng cường và mở rộng, đã có hợp tác với nhiều nước trên thế giới, cải cách hành chính tư pháp, đào tạo cán bộ, Thẩm phán và xây dựng cơ sở vật chất… Ngoài ra, TANDTC đã đảm nhận và chủ trì tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Chánh án Asean, nâng cao uy tín, vị thế của Tòa án Việt Nam đối với các thiết chế tư pháp quốc tế.

Đáng chú ý, tính đến nay, Tòa án đã công khai hơn 733.000 bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử. Ngành cũng đã chủ động lựa chọn, bố trí, luân chuyển cán bộ Tòa án các cấp. Giới thiệu nhiều Thẩm phán ưu tú tham gia cấp ủy. Kết quả tại Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã giới thiệu và được Đại hội tín nhiệm bầu 677 Thẩm phán tham gia cấp ủy ở các tỉnh, thành phố và các quận, huyện. Đây là tỷ lệ tham gia cấp ủy cao nhất trong nhiều nhiệm kỳ, qua đó khẳng định vị thế và sự tín nhiệm của Đảng, nhân dân với Tòa án.

Thực hiện chỉ đạo và phân công của Ban Chỉ đạo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; TANDTC đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án “Cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Theo đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử; xây dựng nền tư pháp công khai, minh bạch phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; xây dựng cơ chế đảm bảo Tòa án độc lập thực thi quyền xét xử theo pháp luật; đổi mới và hoàn thiện thủ tục tố tụng, xây dựng chế độ tố tụng lấy xét xử làm trọng tâm; xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án chính quy, chuyên nghiệp, tinh nhuệ, tận tuy và tận tâm; xây dựng Tòa án điện tử…

chu-tich-nuoc-toa-an3.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Tòa án là cơ quan giữ vị trí trung tâm trong hệ thống các cơ quan tư pháp

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá những kết quả đạt được trong công tác của các Tòa án và công tác cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án trong những năm qua đã góp phần quan trọng cùng các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả Chiến lược cải cách tư pháp.

Hệ thống Tòa án đã chủ động tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng xét xử; hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao. Nhờ đó, góp phần đưa nền tư pháp nước ta có những bước phát triển quan trọng trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; góp phần tạo môi trường lành mạnh, ổn định phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Theo Chủ tịch nước, chất lượng công tác xét xử tiếp tục được nâng lên; tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đều đạt chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra hàng năm. Đặc biệt ngành đã có nhiều giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; đổi mới mô hình phòng xét xử, tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Qua đó góp phần củng cố niềm tin của người dân vào một nền tư pháp công bằng, nghiêm minh, bảo đảm thượng tôn pháp luật; góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các giao dịch dân sự, kinh tế; bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Cùng với đó, ngành tổ chức xét xử thành công các vụ án tham nhũng lớn, tham gia tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Chủ tịch nước cho rằng, đẩy mạnh cải cách tư pháp là xu thế tất yếu nhằm tiến tới xây dựng nhà nước pháp quyền, đồng thời cải cách tư pháp là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp và công tác phòng chống tham nhũng. Ngoài ra, Chủ tịch nước khẳng định, công tác cải cách tư pháp của TAND có vai trò quyết định bởi Tòa án là cơ quan giữ vị trí trung tâm trong hệ thống các cơ quan tư pháp, nơi thể hiện kết quả hoạt động cuối cùng của công tác tư pháp.

Chủ tịch nước cho biết, trong giai đoạn tới, nhiệm vụ của Tòa án rất quan trọng và nặng nề, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án, tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND. Trên tinh thần đó Chủ tịch nước đề nghị ngành Tòa án cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; tích cực, chủ động đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời TAND phải chủ động, tích cực thực hiện chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án dư luận xã hội quan tâm theo phương châm: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Đặc biệt cần chú trọng phòng, chống tham nhũng ngay trong nội bộ ngành Tòa án.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Tư pháp, các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng phối hợp chặt chẽ với Tòa án trong việc thi hành nghiêm túc các bản án đã có hiệu lực, nhất là các vụ án dân sự thường bị tồn đọng rất lớn ở các địa phương. Cùng với đó là xây dựng Tòa án và nền tư pháp công khai, minh bạch, chịu sự giám sát nhân dân, vì nhân dân, phục vụ người dân tốt nhất; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Tòa án...

Với những yêu cầu, nhiệm vụ đó, ngành Tòa án cần có đội ngũ Thẩm phán không những tinh thông nghiệp vụ, giỏi về kỹ năng xét xử mà còn phải am tường về thực tiễn xã hội; thấu hiểu tâm tư, tình cảm, những khó khăn của người dân để có phương án, phương pháp giải quyết phù hợp, từ đó đưa ra phán quyết công tâm, có sức thuyết phục.

Chủ tịch nước cũng đề nghị Toà án các cấp tiếp tục tích cực hơn nữa trong công tác xây dựng thể chế để chủ động thích ứng, giải quyết được những vấn đề mới đặt ra cho nền tư pháp đất nước. Trong bối cảnh công cuộc đổi mới, phát triển đất nước đang đặt ra cho nền tư pháp nước ta những vấn đề mới, yêu cầu mới phải giải quyết, các cơ quan tư pháp tiếp tục đẩy mạnh cải cách nhằm thích ứng tốt hơn, đáp ứng nhiều hơn nữa những đòi hỏi cấp bách trong tình hình mới, xây dựng nền tư pháp nước ta tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ thế giới, nhất là vấn đề các tội phạm và vi phạm phi truyền thống.

Ngoài ra, Chủ tịch nước yêu cầu, TANDTC cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng chuyên đề đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của TAND, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam... Đi liền với đó là tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện những yếu kém trong công tác xét xử để khắc phục, kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống. Xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về tư pháp chuyên sâu pháp luật quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tiếp thu thành tựu khoa học pháp lý mới, tiến bộ của thế giới để kịp thời tháo gỡ những bất cập của hệ thống pháp luật và tư pháp nước ta, ví dụ cơ chế xét xử trực tuyến; xây dựng, thực hiện thành công Tòa án điện tử để nâng cao năng suất, chất lượng; tăng cường công khai, minh bạch với chi phí thấp; nâng cao khả năng tương tác tiếp cận của người dân bởi đây là công cụ hiệu quả để kiểm tra, kiểm soát hoạt động tư pháp, đánh giá năng lực, trách nhiệm của Thẩm phán.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng rằng, ngành Tòa án tiếp tục phát huy những thành quả, những truyền thống tốt đẹp để hoàn thành tốt những nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, nhất là trong công việc cải cách tư pháp, mở rộng hội nhập quốc tế về tư pháp.

chu-tich-nuoc-toa-an2.jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo Bộ, ban, ngành Trung ương đã phát biểu đóng góp ý kiến cho ngành Tòa án, đồng thời cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch nước, cùng những gợi mở của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo và triển khai các nhiệm vụ trong ngành về Chiến lược cải cách tư pháp trong thời gian tới.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng cảm ơn những đánh giá tích cực mà đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dành cho hệ thống Tòa án và khẳng định những thành tựu mà Tòa án đã đạt được trong thời gian vừa qua về công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành, xây dựng thể chế và thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Theo Chánh án, Chiến lược cải cách tư pháp cần đặt ra lộ trình không chỉ 10, 15 năm mà còn dài hơn. Làm sao để nền tư pháp nước nhà tiệm cận, thậm chí vượt lên so với các nước khác trong khu vực, ngang bằng với nền tư pháp các nước tiên tiến.

Với sự quan tâm, động viên và chỉ đạo định hướng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về cải cách tư pháp mà ngành Tòa án phải làm, đồng chí Nguyễn Hòa Bình tiếp thu và xin hứa sẽ hoàn thiện đề án có nhiều tinh thần đổi mới, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các Ban, Bộ, ngành trong Chiến lược cải cách trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Công tác cải cách tư pháp của Tòa án có vai trò quyết định