Ban cán sự đảng, Lãnh đạo TAND tỉnh Sơn La luôn khẳng định vị thế của Tòa án trong cải cách tư pháp theo đúng tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị đó là "Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm". Hàng trăm phiên tòa rút kinh nghiệm được đơn vị TAND hai cấp tỉnh Sơn La phối hợp tổ chức, trong đó phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án hình sự được coi là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Khẳng định vị thế của Tòa án trong cải cách tư pháp
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, công tác cải cách tư pháp đã được TAND tỉnh Sơn La tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Toàn hệ thống đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là trong giải quyết các vụ án hình sự, trọng tâm là nâng cao chất lượng xét xử tại phiên tòa. Trong đó, việc phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án hình sự được coi là một trong những giải pháp quan trọng đem lại hiệu quả rõ nét trong thời gian vừa qua.
Ngay từ những năm đầu thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh Sơn La đã sớm có chủ trương, kế hoạch chỉ đạo thống nhất trong toàn hệ thống phải luôn bám sát nhiệm vụ chính trị được giao; tích cực, chủ động phối hợp với VKSND cùng cấp lựa chọn các vụ án theo các tiêu chí đã được xác định để thống nhất tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm với mục đích nâng cao chất lượng công tác xét xử, góp phần chống oan sai, bỏ lọt tội phạm, đảm bảo phiên tòa xét xử đúng quy định của pháp luật. Một trong những nội dung quan trọng mà lãnh đạo TAND tỉnh Sơn La chú trọng thực hiện là khẳng định vị thế của Tòa án trong cải cách tư pháp theo đúng tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị đó là "Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm".
Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm cũng là một phương thức đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ hiệu quả và tiết kiệm. Thực tiễn cho thấy, thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm đã trực tiếp bồi dưỡng, rèn luyện cho Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân về kỹ năng xét xử; giúp cán bộ Tòa án rút ra được những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục, những ưu điểm cần phát huy đồng thời, tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế phong phú, bổ ích, từ đó tự tin, bản lĩnh, thể hiện được vai trò của HĐXX tại phiên tòa.
Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác xét xử
Đặc biệt, trong những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ, trong đó có việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm đã được TAND hai cấp quan tâm thực hiện. Việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến không chỉ tiết kiệm kinh phí, mà còn giúp mở rộng phạm vi tham gia của các đơn vị Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban pháp chế HĐND tỉnh, Công an tỉnh,VKSND tỉnh, Sở Tư pháp, TAND hai cấp so với các phiên tòa rút kinh nghiệm trong nội bộ. Góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức phiên tòa; đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn hệ thống.
Để một phiên tòa rút kinh nghiệm được tổ chức thành công, có nhiều yêu cầu được đặt ra mang tính toàn diện. Trước kết, các vụ án được lựa chọn để xét xử rút kinh nghiệm thường phải là các vụ án phức tạp, vụ án có luật sư tham gia bào chữa; đồng thời vụ án phải đảm bảo yếu tố "điển hình", xét xử những loại tội phạm phổ biến, những tội phạm có chiều hướng gia tăng để các Thẩm phán, cán bộ nghiệp vụ có thể học tập, rút kinh nghiệm cho các phiên tòa sau. Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân tham gia phiên tòa rút kinh nghiệm (kể cả được phân công dự khuyết) phải có sự chuẩn bị tốt. Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nắm vững các tài liệu chứng cứ, các tình tiết của vụ án; dự thảo đề cương, kế hoạch xét hỏi đảm bảo chất lượng. Không chỉ vậy, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân còn rèn luyện phong thái, tâm thế chủ động, linh hoạt trong xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa. Đồng thời, Thẩm phán chủ tọa phải nắm vững trình tự, thủ tục tố tụng tại phiên tòa; chủ động điều hành việc xét xử vụ án, tranh tụng tại phiên tòa đảm bảo phiên tòa diễn ra đúng trình tự, thủ tục tố tụng quy định.
Việc tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm án hình sự trong thời gian qua (từ năm 2016 đến nay, các đơn vị TAND hai cấp tỉnh Sơn La đã tổ chức 846 phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó có 06 phiên tòa trực tuyến đến 12/12 đơn vị cấp huyện) đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong công tác xét xử. Minh chứng từ thực tiễn cho thấy, qua thường xuyên tổ chức xét xử rút kinh nghiệm đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu Tòa án hai cấp, đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký trong việc nâng cao chất lượng tổ chức phiên tòa, qua các phiên tòa không những hiệu quả công tác, kỹ năng, chất lượng hoạt động nghiệp vụ của Thẩm phán, Thư ký được nâng cao mà trình độ chuyên môn, kỹ năng xét xử của Hội thẩm nhân dân cũng được nâng lên rõ rệt. Những mặt hạn chế trước đây của Hội thẩm nhân dân tại các phiên tòa như: Chất lượng xét hỏi chưa cao; một số Hội thẩm nhân dân chưa chủ động tham gia xét hỏi...đến nay đã được khắc phục.
Qua các phiên tòa rút kinh nghiệm, lãnh đạo các đơn vị cũng thấy được những mặt mạnh và hạn chế của Thẩm phán trong đơn vị mình để theo dõi, đánh giá cán bộ một cách chính xác, toàn diện, từ đó phân công cán bộ, Thẩm phán phù hợp với năng lực, kinh nghiệm và có phương hướng đào tạo bồi dưỡng để Thẩm phán nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp. Đồng thời, qua đó cũng đề cao vai trò, trách nhiệm của Lãnh đạo các đơn vị trong theo dõi, đôn đốc việc giải quyết vụ án. Tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan có liên quan đến hoạt động tư pháp góp phần hiệu quả vào việc thực hiện nhiệm vụ chung của hệ thống cơ quan tư pháp, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp đặt ra trong tình hình hiện nay.Toà án nhân dân tỉnh Sơn La tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm ngày 27/4/2021.