Chủ tịch LCG: Dự án xăng sinh học sẽ sinh lãi 40 tỷ đồng/năm

18/04/2014 11:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong điều kiện thuận lợi nhất, ông Bùi Dương Hùng – Chủ tịch HĐQT CTCP Licogi 16 (HOSE: LCG) cho biết dự án xăng sinh học mà công ty đang đầu tư sẽ bắt đầu sinh lợi từ năm 2015 và mang về lợi nhuận khoảng 40 tỷ đồng/năm cho LCG.

Cụ thể, ông Hùng cho biết nếu các chính sách thực hiện đúng lộ trình thì dự án nhà máy sản xuất ethanol Bình Phước bắt đầu cho ra sản phẩm vào tháng 12/2014.

Chủ tịch LCG: Dự án xăng sinh học sẽ sinh lãi 40 tỷ đồng/năm

Ông Bùi Dương Hùng – Chủ tịch HĐQT CTCP Licogi 16

Dự án Nhà máy sản xuất ethanol là sự hợp tác giữa Công ty TNHH Nhiên liệu Sinh học Phương Đông (OBF), Tập đoàn Itochu (Nhật Bản), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Licogi 16.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, đến nay thì Tập đoàn Itochu đã chuyển nhượng lại phần vốn góp cho Công ty Toyo Thái (Thái Lan). Chẳng những thế, Toyo Thái còn là đơn vị tiếp tục “bơm” tiền vào dự án này (trước mắt là cho vay 250,000 USD) để hoàn thiện những khâu cần thiết và đưa sản phẩm xăng E5 vào tiêu thụ cho đúng lộ trình.

Theo đó, ông Hùng cho rằng những rủi ro mà LCG phải đối mặt tại OBF sẽ không còn nữa khi mà bắt đầu 12/2014 sẽ chính thức “bắt buộc” bán xăng sinh học E5 (loại xăng pha 5% cồn ethanol với xăng không chì truyền thống) ở 7 tỉnh, thành phố lớn theo quy định. Khi đó, chỉ cần đi vào vận hành với công xuất 60% vào năm 2015 thì dự án này đã mang lại lợi nhuận khoảng 90 tỷ đồng.

“Và khi dự án này đi vào vận hành theo đúng lộ trình thì phần hưởng lợi của LCG mỗi năm là ở tầm 40 tỷ đồng”, ông Hùng cho biết thêm.

Còn theo báo cáo của OBF cung cấp thì bắt đầu từ năm 2015, dự án này dự kiến mang lại lãi ròng 45 tỷ đồng, những năm sau đó từ 2016 đến 2023 đều có lãi trên 200 tỷ đồng.

Đối với lo ngại về khả năng nhà máy sản xuất không đủ để cung cấp cho thị trường (do thiếu nguyên liệu sắn lát), ông Hùng cho biết sẽ nhập khẩu xăng E100 để trộn vào, điều này sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng xăng E5. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang có một số chính sách tích cực như giảm thuế nhập sắn từ 10% xuống còn 3%, ngược lại sẽ xem xét đánh thuế xuất khẩu để hạn chế xuất khẩu.

Theo ông Hùng, hai năm qua, dự án xăng sinh học này rơi vào tình trạng “hết tiền” khi mà chủ đầu tư là OBF và Itochu có xảy ra mâu thuẫn. Tuy nhiên, rất may là Toyo Thái và dự án tiếp tục được triển khai.

Về khoản trích lập dự phòng hơn 98 tỷ đồng của LCG tại OBF, có thể bắt đầu thực hiện hoàn nhập dự phòng từ năm 2015 khi mà bắt đầu bán sản phẩm E5 ra thị trường, ông Hùng chia sẻ.

Chủ tịch LCG: Dự án xăng sinh học sẽ sinh lãi 40 tỷ đồng/năm

Doanh thu 2014 chủ yếu từ dự án Formosa

Trao đổi về chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2014, ông Hùng cho biết doanh thu và lợi nhuận chủ yếu đến từ 2 gói thầu của dự án Formosa (Hà Tĩnh). Cụ thể, LCG không nhận gói thầu vật tư 650 tỷ mà chỉ thực hiện 2 gói thầu “Đường chính khu Bắc” và gói thầu “Công trình thoát nước công cộng” với tổng giá trị hợp đồng là 1,060 tỷ đồng. LCG đã được bàn giao mặt bằng vào tháng 7/2013 và phê duyệt các biện pháp thi công vào tháng 8/2013.

Do vướng phải mùa mưa nên trong năm 2013 chưa thực hiện được nhiều và phần lớn doanh thu và lợi nhuận sẽ được ghi nhận vào năm 2014 (dự kiến gần 706 tỷ đồng).

Ông Hùng cho biết hiện tốc độ giải ngân tại dự án Formosa đang rất tốt, điều này đủ đảm bảo cho công ty có những nguồn tiền cần thiết để kinh doanh hoặc cơ cấu khoản nợ vay.

Bên cạnh đó, LCG còn đang thi công gói thầu số 9 thuộc dự án mở rộng Quốc Lộ 1A thuộc tỉnh Quảng Trị với tổng giá trị gói thầu khoảng 100 tỷ đồng hay Bệnh viện II Lâm Đồng cũng dự kiến mang về 144 tỷ đồng doanh thu năm 2014.

Về công tác đầu tư, trong năm 2014 LCG cần thêm 50 tỷ đồng để bỏ vào đối ứng vốn tại dự án BOT quốc lộ 38 và 70 tỷ đồng để đền bù phần còn lại tại dự án Hiệp Thành – Q.12. Để huy động số tiền này, LCG sẽ thực hiện phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu.

Đối với vấn đề chuyển nhượng dự án hay thoái vốn khỏi công ty liên kết, ông Hùng cho biết mục tiêu là sử dụng để cơ cấu các khoản vốn vay của LCG. Vì theo ông Hùng thì công ty đánh gánh lãi suất cao nên chi phí lãi vay theo đó rất lớn dẫn đến tình trạng lợi nhuận công ty cũng bị “ăn mòn”.

Trước mắt để giảm áp lực nợ vay thì LCG đã làm việc với các ngân hàng xin chuyển cơ cấu nợ ngắn hạn sang trung và dài hạn, cụ thể năm 2013 đã chuyển 155 tỷ đồng nợ ngắn hạn của Ngân hàng Tiên Phong sang trung hạn, ông Hùng cho biết thêm.

Ngoài ra, với tài sản là quỹ đất sạch khá lớn hiện nay của LCG (diện tích tổng cộng tại huyện Nhơn Trạch – Đồng Nai là hơn 250 ha) thì cơ hội kinh doanh Bất động sản cũng đang mở ra nhiều hơn với công ty, nhất là khi có đề nghị địa phương không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014.

Sanh Tín

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch LCG: Dự án xăng sinh học sẽ sinh lãi 40 tỷ đồng/năm