Một số bộ, ngành đề nghị rà soát, xác định rõ các mục tiêu điều chỉnh của Dự án Hồ Tràm nhất là việc bỏ đi một loạt các hạng mục về công trình văn hóa, thể thao, giải trí như: rạp chiếu phim, khu triển lãm và tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, khu biểu diễn và nhà hát ca nhạc kịch, các không gian tổ chức thi đấu thế thao trong nhà và ngoài trời.
Đổi công trình văn hóa lấy khách sạn, biệt thự
Trước đó, đầu tháng 2/2023, tại hồ sơ đề nghị điều chỉnh Dự án Hồ Tràm (Dự án), Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm (chủ đầu tư) ngoài xin điều chỉnh tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án, thời gian kiểm tra việc đáp ứng điều kiện kinh doanh Khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài sang năm 2027; còn xin điều chỉnh một loạt các hạng mục công trình xây dựng tại các khu A1, A2, B, D1, D2.
Đáng chú ý, tại khu D1, D2 so với nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (CNĐKĐT) đã cấp, nội dung đề nghị điều chỉnh đã làm “biến mất” một loạt các hạng mục công ích như: bến xe phục vụ nhu cầu đưa đón khách đến các khu của dự án; khu nhà sinh hoạt và đạo tạo dành cho nhân viên; công trình phục vụ du lịch, thể thao, vui chơi, giải trí như: 2 công viên nước, khu thi đấu quần vợt; tám rạp chiếu phim; một quảng trường trung tâm; một khu biểu diễn và nhà hát ca nhạc kịch.
Ngược lại, việc điều chỉnh lại làm tăng số phòng trong hệ thống khách sạn và khu biệt thự với 324 phòng tại khu D1 và với 833 phòng tại khu D2.
Theo chủ đầu tư, việc bỏ một số hạng mục về công trình văn hóa, thể thao, giải trí không làm thay đổi bản chất và tính chất của dự án. Bởi hiện tại khu C của dự án đã đưa vào hoạt động nhiều công trình văn hóa như: rạp chiếu phim lớn, khu bowling, phòng tập gôn 3D, khu hoạt động văn hóa ca nhạc ngoài trời, khu hoạt động cơ vua, mê cung...
“Công ty xin điều chỉnh đế thực hiện cho phù hợp các hạng mục thể thao, văn hóa giải trí đã được đầu tư…”, theo Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm.
Một số bộ, ngành yêu cầu rà soát kỹ
Việc chủ đầu tư bỏ đi một loạt hạng mục công trình văn hóa, thế thao, giải trí…, Bộ Xây dựng cho rằng, theo Quyết định số 1479/QĐ-UBND, tại Dự án được phân thành các khu chức năng, trong đó, Khu A1 có chức năng là khu biểu diễn, trưng bày; Khu A2 và khu B có chức năng giải trí phức hợp; Khu D có chức năng là khu hội nghị.
Do đó, đề nghị rà soát chức năng các hạng mục dự kiến đầu tư xây dựng tại các khu A1, A2, B, D1, D2 để đảm bảo phù hợp với tính chất của từng phân khu đã được xác định.
Đồng quan điểm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đề nghị các cơ quan liên quan rà soát, xác định rõ các mục tiêu điều chỉnh của Dự án, nhất là việc thay đổi các hạng mục văn hóa và thể thao nêu trên.
“Việc điều chỉnh các hạng mục của Dự án không nên dẫn đến làm thay đối và có thể làm ảnh hưởng đến mục tiêu kinh doanh ban đầu cho chủ đầu tư là để thực hiện Dự án tổ hợp Khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino quy mô lớn (là tổ hợp các công trình xây dựng phục vụ cho hoạt động du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng, thương mại... trong đó có hoạt động kinh doanh casino) theo quy định của pháp luật”, Bộ VHTT&DL quan điểm.
Theo tìm hiểu, tại thời điểm cấp Giấy CNĐKĐT năm 2008, mục tiêu của Dự án là Xây dựng và kinh doanh khu du lịch nghỉ dưỡng, giải trí phức hợp và trung tâm hội nghị quốc tế.
Dự án gồm 05 khu, trong đó có một số hạng mục chính như: Các khách sạn 05 sao tổng cộng 9.000 phòng; khu thương mại dịch vụ; khu biểu diễn và nhà hát ca kịch; trung tâm hội nghị quốc tế; các công trình vui chơi giải trí; các khách sạn căn hộ (apartment) và các biệt thự cao cấp cho thuê, sân golf, khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài, và các công trình dịch vụ khác có liên quan.
Theo Bộ KH&ĐT, các hạng mục công trình xây dựng của Dự án tại các khu gần như không thay đổi từ lúc được cấp Giấy CNĐKĐT lần đầu ngày 12/3/2008 cho đến Giấy CNĐKĐT chứng nhận thay đổi lần thứ 10/2020. Nay, nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh bỏ đi một loạt hạng mục với một phần lý do là một số công trình văn hóa nghệ thuật, giải trí, thể thao đã được triển khai và đi vào hoạt động ở khu C. Để thay thế vào đó là bổ sung các hạng mục có chức năng khách sạn căn hộ, biệt thự và các tiện ích phục vụ cho khách sạn, biệt thự.
Để có cơ sở xem xét, Bộ KH&ĐT cho rằng nhà đầu tư cần phải giải trình cụ thể về việc đề xuất bỏ một số hạng mục về công trình văn hóa, thể thao, giải trí; đồng thời giải trình về việc không điều chỉnh tổng vốn đầu tư khi thay đổi (chủ yếu là giảm bớt) các hạng mục công trình tại các phân khu như nói trên.
Dự án Hồ Tràm do Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh khu du lịch nghỉ dường, giải trí phức hợp và trung tâm hội nghị quốc tế Hồ Tràm tại xã Phước Thuận và xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án gồm 06 khu: C (C1, C2); D (D1, D2); Trung tâm (TT); A (A1, A2); B và E (E1, E2), trong đó có các khách sạn 5 sao (tổng cộng 9.000 phòng), khu thương mại dịch vụ, khu biểu diễn và nhà hát kịch, trung tâm hội nghị quốc tế, công trình phục vụ dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, khách sạn căn hộ, khu biệt thự cao cấp cho thuê, sân golf 18 lỗ, khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài và công trình dịch vụ khác có liên quan…với tổng vốn đầu tư 4.230 triệu USD.