Thực phẩm bẩn đang là nỗi nhức nhối của toàn xã hội. Liên tiếp xuất hiện các vụ vận chuyển, chế biến các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc khiến người tiêu dùng hoang mang. Và báo chí đã kịp thời chung tay cùng chống thực phẩm bẩn.
Vấn đề an toàn thực phẩm chưa bao giờ trở thành chủ đề được quan tâm đặc biệt như hiện nay. Hàng loạt vụ việc như lợn bị bơm chất tăng trọng, măng tươi nhuộm vàng hay thịt lợn tẩm hóa chất giả thịt bò… đã khiến nhiều bà nội trợ hoang mang, không biết ăn gì...
Theo Luật sư Vũ Văn Lợi, Đoàn Luật sư Hà Nội, thực phẩm bẩn đã trở thành “quốc nạn”, là từ khóa “nóng”, xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ công sở, chợ dân sinh, tại các gia đình… cho đến chốn nghị trường. Điều này đang khiến cho người tiêu dùng rơi vào “ma trận” hàng hóa và không thể phân biệt thực phẩm bẩn, thực phẩm sạch.
Theo Bộ Y tế, chỉ trong 4 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra gần 30 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng làm 1.368 người bị ngộ độc, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Riêng trong tháng 4/2016, đã xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm làm 375 người bị ngộ độc. Tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, trong tuần cuối của tháng 4, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 10 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, tăng gấp 4-5 lần so với thời gian trước.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, mỗi năm thế giới ghi nhận có 420.000 người chết vì các vấn đề liên quan đến thực phẩm không an toàn. Đó là những thực phẩm chứa chất độc hại như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, các chất hóa học.... , là nguyên nhân gây ra hơn 200 loại bệnh tật khác nhau từ tiêu chảy đến bệnh ung thư.
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng nhìn nhận, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam đã có lịch sử lâu đời, nhưng việc đã làm được cho người tiêu dùng còn khiêm tốn. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Chỉ khi có sự chung tay, hỗ trợ của toàn xã hội thì công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới thực sự đi vào cuộc sống với hiệu quả cao nhất.
Nhuộm gà bằng chất cấm bị phát hiện
Không thể phủ nhận, "cuộc chiến" chống thực phẩm bẩn, báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng để thay đổi nhận thức của người kinh doanh và tiêu dùng. Phát huy trách nhiệm xã hội của người làm báo, nhiều phóng viên có những tin bài hay, thời sự, vừa lên án, phanh phui tổ chức, cá nhân vi phạm sản xuất kinh doanh liên quan đến an toàn thực phẩm. Đồng thời, chính báo chí đã phát hiện, tôn vinh và quảng bá những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp…có những cách làm hay, cách làm tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Danh từ được sử dụng phổ biến "thực phẩm bẩn" được nhắc đến rất nhiều nhưng có lẽ nhiều người sẽ phải thắc mắc, thế nào là thực phẩm bẩn, làm thế nào để nhận biết được đâu là thực phẩm bẩn và chúng ta, liệu có quy chuẩn nào để đánh giá thực phẩm sạch hay bẩn?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng: Thực phẩm không an toàn không thể đơn giản chỉ nhìn bằng mắt thường mà biết được. Có chăng là kinh nghiệm đi chợ của người tiêu dùng, dựa vào màu sắc, độ đàn hồi để phòng ngừa phần nào nhưng nếu muốn biết chính xác thì vẫn phải nhờ vào việc kiểm tra kỹ càng.
Ngoài ra, cũng theo ông Long, nguy cơ tồn dư kháng sinh hiện đang rất rộng. "Rau, củ, quả thì có khả năng tồn dư chất bảo vệ thực vật. Các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản có khả năng tồn dư kháng sinh. Nhất là tôm, loại thủy sản thường được phát hiện có lượng tồn dư kháng sinh cao", ông Long khẳng định.
Nhiều báo đã dũng cảm phanh phui những tổ chức, cá nhân sản xuất và buôn bán hàng giả, thực phẩm bẩn, những cán bộ biến chất bảo kê tiếp tay, để góp phần làm trong sạch bộ máy quản lý, lực lượng thực thi. Tuy nhiên, do lợi nhuận “kếch sù” từ việc kinh doanh thực phẩm không an toàn, rất khó để “thức tỉnh lương tâm” một bộ phận không nhỏ người chăn nuôi, người bán hàng.
Có thể nói, việc sử dụng hóa chất và phụ gia đã trở thành thói quen, thậm chí nhiều người sản xuất kinh doanh còn xem đó là chuyện bình thường. Trên thực tế, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, xử phạt hành chính đã không còn đủ sức răn đe. Chính vì vậy, hình sự hóa các hành vi vi phạm nói trên được coi là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống thực phẩm bẩn.
Theo quy định, chỉ còn ít ngày nữa, cụ thể là từ ngày 1/7/2016, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực, trong đó các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt sẽ bị xử lý rất nặng, từ phạt tiền (1 - 3 tỷ đồng) đến tù giam (6 tháng - 5 năm, thậm chí là 20 năm). Hy vọng rằng, chế tài nghiêm khắc này sẽ đủ sức răn đe, khiến những người có ý định vi phạm phải chùn tay. Tuy nhiên, gốc rễ là ở chỗ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt, kiên quyết xử lý, không bao che để đảm bảo các hành vi vi phạm đều bị xử lý đúng người, đúng tội.
Về lâu dài, các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ nguồn cung các loại chất cấm trong sản xuất, kinh doanh; phải nắm rõ việc ai được phép nhập khẩu, nhập khẩu để làm gì, bán cho ai, mua để làm gì và sử dụng như thế nào? Đặc biệt, cần giám sát triệt để các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, chất tạo màu…Đối với người dân hãy thực hiện quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, kiên quyết không dùng, tẩy chay với hàng giả, thực phẩm bẩn không có nguồn gốc. Người tiêu dùng nên nêu cao tinh thần cảnh giác, tố giác kịp thời các trường hợp biết chắc người sản xuất, kinh doanh có sử dụng chất cấm, tồn dư kháng sinh hoặc thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Vì vậy, thời gian tới, lực lượng chức năng rất cần sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân trong việc cung cấp thông tin liên quan đến việc sản xuất, chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, vai trò của báo chí cũng không hề nhỏ, bởi, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn không phải diễn ra trong ngày một ngày hai mà là cả một chặng đường dài và cần sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội.