Những trường hợp bị thu hồi Giấy phép lái xe, kiểm định ô tô lần đầu, tiêu chuẩn xét thăng hạng giảng viên đại học là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2024.
Quy định 6 trường hợp bị thu hồi Giấy phép lái xe
Thông tư 05/2024/TT-BGTVT sửa đổi hàng loạt các Thông tư liên quan đến vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái sẽ có hiệu lực từ ngày 01/6/2024.
Trong đó, các trường hợp bị thu hồi Giấy phép lái xe (GPLX) gồm có:
- Có hành vi gian dối để được cấp GPLX. Có thể kể đến khai báo gian dối về tuổi, sức khỏe, sử dụng giấy tờ không đúng quy định…
- Tẩy xóa, làm sai lệch thông tin trên GPLX: Những người vi phạm trường hợp này sẽ không được cấp bằng trong 05 năm, nếu muốn cấp lại thì phải học và sát hạch như cấp giấy phép lái xe lần đầu.
- Để người khác sử dụng GPLX của mình: Đây là một trường hợp mới so với trước đây. Khi bị phát hiện thì sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe. Nếu muốn cấp lại thì phải học và thi sát hạch lại.
- Cấp GPLX cho người không đủ điều kiện: Trong đó, người được cấp bằng lái xe có thể không có đủ các điều kiện như không đủ tuổi, không đủ sức khỏe…
- Khi có sai sót về thông tin trên GPLX. Các thông tin có thể bị sai sót gồm thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng giấy phép lái xe…
- Khi người lái xe bị phát hiện trong cơ thể có ma túy thông qua việc khám sức khỏe.
Bổ sung trường hợp bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải
Nghị định 41/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, có hiệu lực từ hôm nay 1/6.
Đáng chú ý, Nghị định 41 đã bổ sung thêm trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.
Cụ thể, nhà xe sẽ bị thu hồi giấy phép nếu không kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên giấy phép kinh doanh trong thời hạn từ 6 tháng trở lên, kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên giấy phép kinh doanh trong thời gian 6 tháng liên tục trở lên; không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của cơ quan thẩm quyền.
Trong thời gian 1 tháng, nhà xe có từ 30% trở lên số phương tiện bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu, biển hiệu cũng bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.
Đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại giấy phép kinh doanh và phù hiệu, biển hiệu cho cơ quan cấp giấy phép kinh doanh; đồng thời dừng hoạt động kinh doanh vận tải theo quyết định thu hồi.
Ôtô miễn kiểm định lần đầu vẫn phải nộp phí lập hồ sơ
Có hiệu lực từ ngày 15/6, Thông tư 11/2024 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới. Theo đó, phương tiện mới, được miễn kiểm định lần đầu phải đóng phí lập hồ sơ 50.000 đồng mỗi xe. Ngoài ra, Bộ đề xuất dịch vụ in lại tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định bằng 50% mức giá lập hồ sơ.
Theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, phương tiện không kiểm định nhưng các trung tâm đăng kiểm vẫn phải bố trí người lập hồ sơ, chi trả lương nhân viên. Do đó, Cục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung giá dịch vụ lập hồ sơ với mỗi xe đăng kiểm lần đầu để giảm khó khăn cho các đơn vị.
Tiêu chuẩn xét thăng hạng giảng viên đại học
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 05/2024/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập và trường cao đẳng sư phạm có hiệu lực từ 01/6/2024.
Trong đó, có thể kể đến điều kiện, tiêu chuẩn xét thăng hạng chức danh giảng viên chính hạng II gồm: Cơ sở giáo dục đài học công lập có nhu cầu, có vị trí việc làm còn thiếu phù hợp; Được cấp có thẩm quyền cử xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; Đang giữ chức danh giảng viên hạng III; Trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng, giảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt, không trong thời hạn kỷ luật và thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật; Có thời gian giữ chức danh giảng viên hạng III tối thiểu, đáp ứng tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ…
Người tiêu dùng có thể truy suất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
Quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa được nêu ra tại Thông tư số 02/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ, có hiệu lực từ 1/6.
Người tiêu dùng có thể tra cứu trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia các thông tin sau: Tên và hình ảnh của sản phẩm, hàng hóa; tên đơn vị và địa chỉ của đơn vị sản xuất, kinh doanh; thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra trong sản xuất, kinh doanh; thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký tự và số seri sản phẩm (nếu có); thời hạn sử dụng (nếu có).
Tổ chức, cá nhân thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm bảo đảm phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13274:2020 Truy xuất nguồn gốc - Hướng dẫn định dạng các mã dùng trong truy vết do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố trước khi đưa vào sử dụng.