Chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số: Cần chuyển từ hỗ trợ sang đầu tư

Hương Lan| 25/08/2015 07:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng Chính phủ vừa giao các Bộ, ngành liên quan rà soát và hoàn thiện các chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả của chính sách, các chuyên gia cho rằng cần mạnh mẽ chuyển từ chính sách hỗ trợ sang chính sách đầu tư.

Hệ thống chính sách dân tộc đã khá đầy đủ

Theo thống kê, hiện nay cả nước có 130 chính sách dân tộc, được thể hiện tại 177 văn bản, 37 Nghị định và Nghị quyết của Chính phủ, 140 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

 Nguồn lực được bố trí thực hiện chính sách vùng dân tộc, miền núi giai đoạn 2006 - 2012 là 150.000 tỷ đồng; các chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý được bố trí gần 32.000 tỷ đồng.

Hệ thống chính sách dân tộc được đánh giá là đã khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và phủ kín các địa bàn vùng dân tộc, miền núi. Cơ chế, chính sách đã từng bước thay đổi về quan điểm, tư duy, khi thực hiện phân cấp cho địa phương trên cơ sở công khai, minh bạch công tác xây dựng và lập kế hoạch. Đáng chú ý là những thay đổi trong công tác hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, từ hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ đã chuyển dần sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ; một số vùng đã thực hiện chuyển từ hỗ trợ sang đầu tư.

Chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số: Cần chuyển từ hỗ trợ sang đầu tư

Xây dựng đường giao thông nông thôn miền núi

Các chính sách cũng được quan tâm phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương; vai trò của người dân và các đối tượng thụ hưởng được phát huy, tạo sự đồng thuận từ Trung ương đến địa phương trong các khâu xây dựng, thực hiện, kiểm tra và đánh giá chính sách. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn nhưng Nhà nước đã ưu tiên bố trí nguồn lực kết hợp với nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và địa phương để hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi.

Ủy ban Dân tộc đánh giá, thông qua hệ thống chính sách hiện hành, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc, miền núi thay đổi rõ rệt, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội. Một số vùng đã có bước phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nơi giảm nhanh và cao hơn tỷ lệ giảm nghèo chung của cả nước.

Giảm nghèo chưa bền vững

Tại một Hội thảo trao đổi kinh nghiệm, đề xuất đổi mới chính sách giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn, nhiều chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, chính sách giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số hiện vẫn còn mang tính ngắn hạn và chưa đồng bộ

Ủy ban Dân tộc và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều có chung nhận định, chính sách dân tộc của nước ta vẫn phải đối mặt với không ít  khó khăn, thách thức. Điều này được thể hiện ở vùng dân tộc và miền núi hiện là vùng khó khăn nhất nước, tỷ lệ hộ nghèo cao, giảm nghèo chưa bền vững, kết cấu hạ  tầng thấp kém. Kết quả giảm nghèo cũng còn thiếu tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao. Chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực thấp; thiếu đất sản xuất…

Nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn, hạn chế là do đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao, thường xuyên xảy ra thiên tai; xuất phát điểm về kinh tế - xã hội của vùng dân tộc miền núi thấp so với mặt bằng chung. Công tác dân tộc mang tính chất đa ngành, đa lĩnh vực, mô hình tổ chức quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ khi thành lập đến nay đã trải qua nhiều mô hình tổ chức với chức năng nhiệm vụ khác nhau nên thiếu sự ổn định.

Các chuyên gia cho rằng, vẫn còn có sự trùng lặp về đối tượng và địa bàn thụ hưởng chính sách; nội dung chính sách cũng chưa đồng bộ, chưa được kết nối để đảm bảo mục tiêu đề ra; chính sách còn mang tính ngắn hạn và thường có mục tiêu lớn nhưng thời gian và nguồn lực thực hiện không tương xứng… Kết quả dẫn đến đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tiếp tục là nhóm nghèo, yếu thế nhất, dễ bị tổn thương nhất và dễ bị cư xử bất bình đẳng trong nền kinh tế thị trường. Biểu hiện sự bất bình đẳng về đời sống kinh tế là chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng.

 Chuyển từ “cho không” sang cho vay

Để giải quyết những khó khăn về chính sách, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, chính sách không nên bao cấp liên tục mà chỉ mang tính hỗ trợ trong giai đoạn nhất định. Cách tiếp cận xây dựng chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020 cần theo hướng đa mục tiêu, dài hạn, đa ngành, đa lĩnh vực và giảm đầu mối văn bản quản lý. Đặc biệt, cần mạnh mẽ chuyển từ chính sách hỗ trợ sang chính sách đầu tư; đối với những vùng khó khăn cần có những dự án trọng điểm cụ thể.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, ngành liên quan rà soát và hoàn thiện các chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách mới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

 Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa đổi cơ chế quản lý và điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng đồng bộ hóa tổ chức quản lý, gắn Chương trình mục tiêu quốc gia với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội; thể chế hóa quy trình lập và triển khai kế hoạch đầu tư cấp xã có sự tham gia của người dân thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới.

Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng cơ chế tài chính chung để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho việc lồng ghép nguồn lực được thuận lợi và nghiên cứu, đề xuất tăng định mức xây dựng chính sách nói chung và chính sách giảm nghèo nói riêng theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí xây dựng chính sách.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm đồng bộ hóa, tập trung nguồn lực, theo hướng: Phân nhóm, gồm chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chính sách hỗ trợ phát triển sinh kế; thực hiện chính sách dựa vào cộng đồng, gắn sản xuất với thị trường nhằm tăng cường giám sát nội bộ, khuyến khích tự vươn lên thoát nghèo bền vững; giao nhiệm vụ cho bộ, ngành đúng đắn, đảm bảo không trùng lặp về nội dung và địa bàn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số: Cần chuyển từ hỗ trợ sang đầu tư