Chính sách BHXH tự nguyện đã lan tỏa đến người dân

Lan Trần| 08/11/2019 06:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Công tác tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đã có nhiều đổi mới, nhờ đó, đến hết tháng 9, cả nước đã vận động được 463.105 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 94,4% kế hoạch giao.

Trong một vài năm trở lại đây, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng lên đáng kể. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân là từ năm 2018, Nhà nước có chính sách hỗ trợ số tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia gồm 30% với người nghèo, dân tộc thiểu số; 25% với người cận nghèo và 10% với đối tượng khác. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền đã có nhiều đổi mới để người dân có thể tiếp cận và hiểu  được sự ưu việt của BHXH tự nguyện.

Thay đổi nhận thức của người dân

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 9, cả nước đã vận động được 463.105 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 94,4% kế hoạch giao, tăng 26.017 người so với tháng 8-2019, và tăng 192.326 người so với tháng 12/2018; theo kế hoạch mục tiêu trong ba tháng cuối năm phải phát triển tiếp 27.600 người.

Những con số trên cho thấy, công tác phát triển BHXH tự nguyện đã đạt những kết quả tích cực. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh, cho thấy nhận thức của người dân về chính sách này đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, cũng như công tác tuyên truyền đã có sự đổi mới, phát huy hiệu quả.

Chính sách BHXH tự nguyện đã lan tỏa đến người dân

Chị Nguyễn Thị Thúy Diễm (bên trái) tư vấn cho người dân về chính sách BHXH. Ảnh: Lan Trần.

Trong chuyến công tác tại Quảng Nam, chúng tôi gặp vợ chồng anh Nguyễn Văn Phúc  ở xã Đại Quang, huyện Đại Lộc. Cả hai vợ chồng anh đều tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng trung bình hơn 300 nghìn đồng/người/tháng và chọn hình thức đóng 6 tháng một lần.

“Tôi làm nghề chăn nuôi và đã tham gia BHXH tự nguyện được 5 năm. Lúc trước tôi chưa biết nhiều về BHXH tự nguyện, sau đó có con cái thông tin và cán bộ tư vấn giúp tôi hiểu đóng BHXH thì khi về già có lương hưu, có BHYT. Nhân viên tư vấn tận tình và dễ hiểu nên tôi sẽ theo BHXH tự nguyện và chỉ theo bảo hiểm này thôi”, anh Phúc nói. Ở tuổi 51 và tham gia BHXH được 5 năm, anh Phúc cho biết sẵn sàng đóng một lần cho số năm còn thiếu khi đến tuổi nghỉ hưu.

Là nhân viên tư vấn trực tiếp cho vợ chồng anh Phúc, chị Nguyễn Thị Thúy Diễm, nhân viên đại lý thu xã Đại Quang, huyện Đại Lộc cho biết trên địa bàn cũng có những trường hợp cả hai vợ chồng cùng tham gia BHXH tự nguyện như  vợ chồng anh Phúc. Tính từ đầu năm 2019 đến tháng 7, chị Diễm tư vấn thành công hơn 30 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó người có mức đóng cao nhất tầm hơn 400 ngàn mỗi tháng.

Cũng được chị Thúy Diễm tư vấn, chị Nguyễn Thị Kim Phượng, 30 tuổi ở xã Đại Quang đã tham gia BHXH tự nguyện và chọn hình thức đóng 5 năm một lần. “Nhờ qua hội thảo của Bưu điện và BHXH và cũng nghe qua báo, đài nên tôi thấy người dân tham gia BHXH có được nhiều quyền lợi. Giờ tôi còn trẻ còn làm ra tiền, sau về già sẽ khó khăn hơn nên tôi tham gia BHXH tự nguyện để về già có lương hưu”, chị Phượng nói.

Thông tin phủ rộng đến mọi địa bàn

Thực tế ghi nhận không chỉ tại các tỉnh, thành phố lớn mà tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, người dân cũng đã được tiếp cận thông tin và nhận thức được lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện như người dân xã Dang, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Đây là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Nam, cách Tam Kỳ hơn 180km có 8/10 xã có đường biên giới với Lào; dân số 20.186 người, trong đó đồng bào dân tộc Cơ Tu chiếm hơn 92%, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo 43,14%.

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Hoih Danh, Chủ tịch UBND xã Dang cho biết  xã có 445 hộ, khoảng 1.700 nhân khẩu chủ yếu là người dân tộc Cơ Tu, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 12 triệu đồng/năm, toàn hộ nghèo. Tuy nhiên, ngay tại Hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện tổ chức tại nhà Gươl, đã có khoảng 60 người tham dự.

Tại hội nghị tuyên truyền, sau khi được nghe cán bộ BHXH và Bưu điện tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, đã có hơn 30 người tham gia đăng ký, có nhiều người còn đóng tiền ngay tại buổi tuyên truyền.

Tham gia hội nghị, chị Bnước Thị Vưới (thôn Alua) cho biết chị chỉ ở nhà chăn nuôi, làm lúa với mức thu nhập mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ, và được các cán bộ giải thích rõ ràng, chị đã mình quyết định tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 181 nghìn đồng/tháng.

Còn với anh A Lan Chiếc, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Axur, thu nhập chính của gia đình từ nuôi heo, bò, trồng lúa, cao su, măng tre và phụ cấp từ tham gia công tác Đảng, Mặt trận. Anh cho biết, qua các buổi tuyên truyền, anh thấy rất có lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, vì vậy, cũng đã tham gia đóng với mức 181.000 đồng/tháng và sẽ đóng cho vợ con nếu điều kiện kinh tế khá giả hơn

Chị Lê Thị Nguyệt, chuyên viên phòng kế hoạch kinh doanh bưu điện huyện Tây Giang cho biết mỗi hội nghị tuyên truyền thường đạt được kết quả tốt với tỷ lệ khoảng 70% người dân tham gia. Người dân thường tham gia ở mức 138 nghìn đồng/tháng. Theo chị Nguyệt, việc tập trung người đến nhà Gươl để tuyên truyền là hiệu quả.

Có thể thấy, nhờ có công tác tuyên truyền với nhiều hình thức linh hoạt phù hợp với từng địa phương, chính sách BHXH tự nguyện đã đến được với người dân. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn có những băn khoăn về thời gian đóng dài, để duy trì đóng không dễ dàng. Vì thế để phát triển đối tượng BHXH tự nguyện, để người dân kiên trì tham gia, không bỏ cuộc giữa chừng. Cùng với đó, công tác tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cũng cần phải thường xuyên, liên tục và linh hoạt phù hợp với đặc điểm từng địa bàn và nói như một cán bộ BHXH, để người dân hiểu và tham gia, "cần tư vấn cho người dân như tư vấn cho người thân của mình".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách BHXH tự nguyện đã lan tỏa đến người dân