Xác định chuyển đổi số, chính quyền số là xu hướng tất yếu hướng đến sự hài lòng của người dân, Thanh Hóa đã sớm ban hành nghị quyết đặt ra mục tiêu phấn đấu đến 2030 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số.
Trao đổi với PV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa Đỗ Hữu Quyết cho hay: Trong thời đại công nghệ thông tin, chuyển đổi số (CĐS) là điều bắt buộc phải làm để thích ứng với thời đại. Nhận thức được những cơ hội, thách thức và xu thế tất yếu của CĐS, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh CĐS trong các cơ quan Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chỉ đạo, điều hành, công khai, minh bạch các hoạt động; phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Thanh Hóa tập trung phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu chung là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân trên môi trường số. Ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền số; hình thành, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao là nền tảng cho phát triển kinh tế số; xã hội số văn minh, hiện đại, an toàn.
Sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, 9 tháng đầu năm 2022, công tác chuyển đổi số ở Thanh Hóa đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Theo đó, 100% cán bộ, công chức ở Thanh Hóa thực hiện tiếp nhận, xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống đạt 1.525.644 lượt văn bản, số văn bản gửi đi trên hệ thống là 617.936 văn bản, tỷ lệ ký số cá nhân đạt 98,7%, tỷ lệ ký số cơ quan đạt 99%, giúp cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị được công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan nhà nước.
Đã có 14.037 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử đạt 97%; có 1.138 hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử chiếm 98%; có 1.306.281 hóa đơn điện tử đã được sử dụng và truyền về cơ quan Thuế… Có 27/27 bệnh viện tuyến huyện đã kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến Trung ương. 100% các bệnh viện công lập triển khai thanh toán phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; 100% bệnh viện công lập đã triển khai hóa đơn điện tử; triển khai phần mềm quản lý nhà thuốc đến hơn 765 nhà thuốc kết nối với cổng dược Quốc gia nhằm quản lý, kê đơn bán thuốc trong ngành y tế...
Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số DTI cấp quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh năm 2021. Thanh Hóa đã bứt phá ngoạn mục vươn lên xếp thứ 3 cả nước về Chỉ số PAPI (tăng 21 bậc so với năm 2020) và thứ 14 cả nước về Chỉ số PAR INDEX (tăng 15 bậc so với năm 2020). Chỉ số đánh giá CĐS của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, Thanh Hóa đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố.
Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông, hoạt động ổn định, hiệu quả. Đẩy mạnh các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp, văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan Nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định); tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng cao… Với tinh thần “CĐS giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”; CĐS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải được triển khai sâu rộng, hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
CĐS đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển “thần tốc” của xứ Thanh thời gian qua. Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 39.325 tỷ đồng, bằng 133% dự toán, tăng 56% so với cùng kỳ và đạt cao nhất từ trước đến nay. Hầu hết các lĩnh vực thu đều tăng, một số khoản thu tăng cao như thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 69%, thuế bảo vệ môi trường tăng 42%, thu tiền sử dụng đất tăng 76%.
Đối với công nghiệp trong 9 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,03%, có 19/26 sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ. Trong ngành dịch vụ, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 9 tháng ước đạt 127.805 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 11,7%; tổng lượng khách du lịch gấp 3,3 lần, tổng thu du lịch ước đạt 19.075 tỷ đồng, bằng 106,4% kế hoạch, gấp 4,1 lần.
Tình hình thu hút đầu tư và tiến độ triển khai thực hiện các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa tại phiên họp, 9 tháng năm 2022 huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 103.340 tỷ đồng, bằng 71,3% kế hoạch, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh đã thu hút được 51 dự án đầu tư trực tiếp (4 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.386 tỷ đồng và 41 triệu USD.