Chính phủ lo ngại trước tỷ lệ nợ công tăng nhanh

Ngọc Mai| 20/10/2014 15:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ghi nhận những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội năm 2014, trong báo cáo trước Quốc hội sáng nay 20/10, song, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ quan ngại về một số vấn đề còn hạn chế, đặc biệt là tỷ lệ nợ công tăng nhanh.

Không thể ảo tưởng về nợ công ở mức an toàn

Tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì tỷ lệ trả nợ từ ngân sách Nhà nước hiện ở mức 26,2%, cao hơn so với mức 25% cho phép. Đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015 được Thủ tướng Chính phủ trình bày trước QH sáng 20/10.

Theo báo cáo, ngân sách nhà nước 9 tháng tăng 17,2% so với cùng kỳ. Ước thu cả năm vượt 10,6% dự toán. Bảo đảm chi theo kế hoạch và nhu cầu cấp bách phát sinh. Bội chi ngân sách 5,3% GDP.

Chính phủ lo ngại trước tỷ lệ nợ công tăng nhanh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII

Dù "nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép tại Nghị quyết số 10 của QH", nhưng báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng trình bày cho biết bội chi ngân sách còn cao. Nợ công tăng nhanh.

Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định của chiến lược nợ công là không quá 25%) nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì khoảng 26,2%.

Dư nợ công cuối năm 2013 bằng 54,2%; dư nợ chính phủ bằng 42,3%; dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,3% GDP. Dự kiến đến hết năm 2014, dư nợ công bằng 60,3% (tăng 6,1%); dư nợ chính phủ 46,9%; dư nợ nước ngoài của quốc gia 39,9% GDP.

Trước đó, trong phần mở đầu báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng nhận định bối cảnh trong nước và quốc tế hiện trong giai đoạn phức tạp. Để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra cho cả năm, Chính phủ luôn bám sát các giải pháp đề ra theo nghị quyết của Quốc hội, hằng tháng có kiểm điểm, đánh giá, bổ sung...

Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm đã có chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, tốt hơn. Lạm phát cả năm dự kiến dưới 5%, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2013. Đến nay, tăng trưởng tín dụng đạt 7,26% và dự kiến đạt 12-14% cho cả năm. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng tăng cao nhất từ trước đến nay.

Về thương mại, xuất khẩu của các doanh nghiệp tăng 13%, cán cân thương mại, cán cân thanh toán và vãng lai đều thặng dư. Vốn FDI thực hiện 9 tháng đạt 8,9 tỷ USD và dự kiến cả năm có thể đạt 12,5 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ.

Những tín hiệu tích cực nêu trên giúp tăng trưởng kinh tế được cải thiện qua từng quý. Tính chung 9 tháng, GDP tăng 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước và ước cả năm đạt 5,8%. Tuy vậy, báo cáo của Chính phủ nhận định môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh cải thiện chậm, sản xuất kinh doanh còn khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, số giải thể, ngừng hoạt động còn lớn.

Về tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là 3 lĩnh vực: đầu tư công, ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước, mặc dù có những chuyển biến tích cực (xử lý được 53% nợ xấu, cổ phần hóa hàng chục doanh nghiệp...) song vẫn bị đánh giá là chậm. Tốc độ đổi mới công nghệ của nền kinh tế chưa đạt yêu cầu, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP còn thấp, doanh nghiệp chưa thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu...

Nhận định về tình hình 2015, Chính phủ cho rằng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, tăng trưởng còn chậm, các nước lớn cạnh tranh gay gắt, tranh chấp chủ quyền biển đảo phức tạp... Bối cảnh này đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.

Chính phủ lo ngại trước tỷ lệ nợ công tăng nhanh

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII - Kỳ họp cuối năm 2014, với các nội dung đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát, quyết định những vấn đề lớn về kinh tế - xã hội của đất nước

Với mục tiêu tăng cường ổn định vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014, Chính phủ dự kiến GDP có thể tăng 6,2%, lạm phát, bội chi khoảng 5% và kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%.

Để đạt được những mục tiêu này, Thủ tướng đề xuất một số giải pháp chủ yếu như ổn định tỷ giá, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, tiếp tục thực hiện giá thị trường với xăng dầu, đẩy mạnh tái cơ cấu... Ngoài ra, để đảm bảo ngân sách, Chính phủ cũng xác định không tăng chi thường xuyên (ngoài lương), giám sát nợ công, nợ nước ngoài... trong giới hạn an toàn.

Xử lý 85% số vụ khiếu nại tố cáo mới phát sinh

Báo cáo Chính phủ nhận định, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đã đáp ứng tốt hơn công tác phòng, ngừa vi phạm pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đã 6.877 cuộc thanh tra hành chính, 150.932 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm 31,5 nghìn tỷ đồng, 3.740 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 30 nghìn tỷ đồng và 2.690 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 1.552 tập thể, 2.735 cá nhân...9 tháng đầu năm đã thụ lý 415 vụ án, 1.031 bị can phạm tội về tham nhũng.

Công tác tiếp công dân tiếp tục được quan tâm hơn, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được tăng cường và đạt được kết quả tích cực.Hầu hết lãnh đạo Bộ ngành, địa phương đã trực tiếp đối thoại, giải quyết khiếu nại của công dân. Đã xử lý khoảng 85% số vụ khiếu nại, tố cáo mới phát sinh và giải quyết 494/528 vụ khiếu nại tồn đọng kéo dài . 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ lo ngại trước tỷ lệ nợ công tăng nhanh