Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp “biến nguy thành cơ”…! trong đại dịch Covid-19

TS Nguyễn Minh Phong| 07/06/2021 13:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giúp doanh nghiệp củng cố niềm tin và có động lực mạnh mẽ hơn nhằm khắc phục thiệt hại, vực dậy sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

Năm 2021, kinh tế Việt Nam và thế giới đang tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong nước gặp khó khăn. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, nhất là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải... Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi làn sóng dịch thứ tư bùng phát ở các khu công nghiệp trên cả nước, rất nhiều nhà máy trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp logistics và vận tải hiện đang đối diện nguy cơ đứt gãy và bị gián đoạn hàng loạt các chuỗi cung ứng hàng hóa và liên kết sản xuất trong nước, kéo theo tăng áp lực bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I năm 2021, so với cùng kỳ năm trước, cả nước có 29,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới, giảm 1,4%; có 14,7 nghìn DN quay trở lại hoạt động, giảm 0,5%; Đồng thời, có 40,3 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 15,6%, trung bình mỗi tháng có tới 13,4 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, trong khi chỉ có gần 14,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong 5 tháng đầu năm 2021, cả nước có 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái…

1(1).jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia và trực tuyến với các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang và thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 2/6/2021

Trong bối cảnh dịch vẫn hoành hành và diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là ở nhiều nước khu vực châu Á trong năm 2021, việc đồng bộ hóa các giải pháp với nội dung thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn là cần thiết không chỉ cho DN, mà còn cho người lao động, cũng như toàn bộ đời sống và sự phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương và cả quốc gia.

Cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao nhiều quyết sách từ Quốc hội và Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời trong thời gian gần đây, tiêu biểu như: Cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các doanh nghiệp chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm; kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ 1/1/2021 tới năm 2025 (miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm); giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN, tiền thuê đất và các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng.

Đặc biệt, ngày 19/4/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp (DN), tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong hơn 50 lĩnh vực cụ thể cả trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp-xây dựng và dịch vụ; cũng như các DN nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; và cả các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là DN, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thời gian được gia hạn từ 3-6 tháng và người nộp thuế phải thực hiện nộp ngân sách chậm nhất vào cuối năm 2021; Tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng.

2.jpg
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong.

Nghị định 52/2021/NĐ-CP có đối tượng áp dụng mở rộng hơn, thời gian giãn nộp kéo dài hơn so với Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2020 và Nghị định số 109/2020/NĐ-CP ngày 5/9/2020 về gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Việc giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất giúp DN có thêm nguồn lực tài chính giúp tăng sức chống chiụ trước các nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn hoặc giảm sút sức mua thị trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang áp dụng việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 hỗ trợ ngành hàng không (số tiền ước tính giảm khoảng 900 tỷ đồng); cho phép tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp, tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho năm 2020 và 2021 (ước tính số tiền thuế doanh nghiệp được giảm nghĩa vụ khoảng 170 tỷ đồng/năm); giảm mạnh các phí liên quan thành lập, công bố thông tin doanh nghiệp, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động; giảm phí liên quan thành lập, công bố thông tin doanh nghiệp, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động… Tất cả đã có tác động khá tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp và phù hợp với các cam kết, xu hướng chung quốc tế.

Theo kết quả điều tra PCI 2020 do VCCI công bố ngày 16-4-2021, Việt Nam ghi nhận có xu hướng cải thiện theo thời gian, cả về chi phí không chính thức, an ninh trật tự, cải cách hành chính và sự bình đẳng trong môi trường kinh doanh, cũng như sự năng động, tiên phong của chính quyền cấp tỉnh...

3.jpg
Doanh nghiệp nỗ lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, vượt khó do đại dịch COVID-19.

Song, kết quả điều tra PCI 2020 cũng cho thấy những cứ liệu đáng quan ngại, khi mà còn ¼ trong tổng số gần 12.300 doanh nghiệp tư nhân và FDI phản hồi khảo sát cho rằng địa phương ưu ái các DN nhà nước, gây khó khăn cho DN tư nhân; 1/3 DN cho rằng chính quyền còn ưu ái cho DN FDI. Ngoài ra, còn 40% DN chưa sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp về kinh tế; gần 45% DN phải trả các chi phí không chính thức; 54% DN vẫn còn bị nhũng nhiễu; 20% DN đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện và 3% DN bị thanh tra, kiểm tra quá 5 lần/năm; Đặc biệt, chỉ có 41% DN cả tư nhân trong nước và FDI dự kiến mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới, giảm hơn 10 điểm % so với năm 2019.

Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực từ tháng 7/2020 được kỳ vọng cải thiện môi trường kinh doanh với cải tiến về thời gian làm thủ tục, cắt giảm nghĩa vụ làm thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc về kê khai và nộp thuế điện tử; bổ sung quy định về quyền được thông tin về thanh, kiểm tra…Tuy nhiên, theo VCCI, trung bình vẫn có 22% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực thuế như đề nghị miễn, giảm thuế (23% doanh nghiệpgặp phải), hoàn thuế (18%), quyết toán thuế (17%)…Việc giảm phí, lệ phí có hiệu ứng tích cực, nhưng các quy định về thủ tục vẫn cứng nhắc, đặc biệt trong kiểm tra chuyên ngành; Trên thực tế, cùng một sản phẩm, cùng một mục đích, nhưng doanh nghiệp phải trả chi phí kiểm tra xét nghiệm 2 - 3 nơi, khiến doanh nghiêp phát sinh thêm nhiều chi phí.

Bởi vậy, thực tế đòi hỏi cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng thực thi của hệ thống chính quyền cấp cơ sở, tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra và chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát tham nhũng, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoàn thiện hệ thống thủ tục, quy định và nâng cấp mạnh mẽ chất lượng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý nhà nước các cấp …

Đặc biệt, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát loại bỏ các quy định đang gây áp lực về chi phí cho doanh nghiệp, đơn giản hóa tối đa quy trình hành chính hiện tại, hoặc xem xét áp dụng các quy trình xuất, nhập khẩu ưu tiên (như trường hợp vừa áp dụng với việc xuất khẩu vải thiều), đẩy nhanh quy trình, thủ tục nhập về các mặt hàng thiết yếu và xuất các sản phẩm nông sản, xuất các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ đạo, để hỗ trợ các doanh nghiệp tối ưu thời gian, chi phí ở các khâu thực hiện trong nước; giảm thiểu thực tế các chi phí tuân thủ trong quản lý nhà nước và tiết giảm hoặc tối ưu được dòng tiền chi ra để vượt qua khó khăn. Sự nhũng nhiễu doanh nghiệp trong điều kiện bình thường đã cần lên án, thì trong bối cảnh dịch Covid-19 càng không thể chấp nhận được và cần được nhận diện , xử lý nghiêm khắc, kịp thời.

Bởi vậy, trong dự thảo Thông tư quy định mức thu của các loại phí, lệ phí được lấy ý kiến góp ý, Bộ Tài chính dự kiến tiếp tục giảm mức thu của 29 loại phí, lệ phí kéo dài từ ngày 1/7 đến hết năm nay, thay vì hạn cuối là ngày 30/6 như hiện hành. Kể từ ngày 1/1/2022 trở đi, mức thu các khoản phí, lệ phí sẽ thực hiện như thời điểm trước khi chưa có dịch COVID-19. Nếu chính sách được Chính phủ thông qua, 29 khoản phí, lệ phí sẽ được tiếp tục giảm đến hết năm 2021. Trong đó, nhiều mức phí, lệ phí giảm cao như: Giảm 70% các mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức thu phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm từ 50 - 70% mức thu phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng và 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán...Các thông tư giảm phí, lệ phí có hiệu lực thi hành đến hết năm 2021.

Cần lưu ý rằng, so với quy mô tài chính, phương thức, giải pháp và đối tượng các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của chính phủ nhiều nước chống dịch Covid-19 năm 2020 và 2021, thì các gói hỗ trợ của Việt Nam còn khiêm tốn và chưa đa dạng bằng…Bởi vậy, sẽ là không đủ nếu DN bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 không nhận được thêm những giải pháp thiết thực khác, như giảm lãi suất cho vay và linh hoạt hơn các điều kiện tiếp cận thực tế tín dụng ngân hàng. Các quy trình và giá cả dịch vụ quản lý dịch vụ công phải bảo đảm sự thuận lợi và tiết giảm chi phí trong lưu thông hàng hóa thông suốt cả giữa các thị trường trong nước với nước ngoài, cả giữa các tỉnh có dịch với các địa phương giáp ranh…

Trước mắt, cần đẩy mạnh quá trình tiêm vaccine cho người lao động tại các doanh nghiệp; cho phép doanh nghiệp, tổ chức tư nhân được chủ động đàm phán mua vaccine với các đơn vị cung ứng trên toàn cầu, căn cứ trên danh mục vaccine Bộ Y tế chấp nhận, và tổ chức tiêm phòng COVID-19 cho nhân viên theo đúng hướng dẫn và các yêu cầu an toàn của Bộ Y tế. Đáp ứng yêu cầu này, ngày 31/5, Bộ Y tế đã có văn bản số 4433 /BYT-QLD nêu rõ, Bộ sẽ xem xét phê duyệt trong thời gian 5 ngày làm việc khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vaccine phòng COVID-19 với các vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt. Với các vaccine đã được các quốc gia khác phê duyệt, nhưng chưa được WHO phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp thì Bộ Y tế sẽ xem xét, phê duyệt trong thời gian 10 ngày làm việc khi nhận được đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vaccine phòng COVID-19. Đối với các địa phương, đơn vị có khả năng nhập khẩu, tiếp cận nguồn cung vaccine phòng COVID-19 nêu trên, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện cấp phép nhập khẩu, kiểm định và chỉ đạo tổ chức công tác tiêm chủng đảm bảo tiến độ, an toàn, hiệu quả.

Dịch Covid -19 đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi thế giới đương đại, cả trong tư duy và phương thức quản lý, sản xuất, phân phối, tiêu dùng các nguồn lực và của cải xã hội, cả vĩ mô và vi mô, cả quản trị doanh nghiệp, cũng như quản lý nhà nước đối với hoạt động của các doanh nghiệp …

Chính vì vậy, những quyết sách đúng đắn và kịp thời của Chính phủ đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp “biến nguy thành cơ” trong đại dịch Covid-19.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp “biến nguy thành cơ”…! trong đại dịch Covid-19