Chính phủ bàn nhiều vấn đề cấp bách tại phiên họp thường kỳ tháng 6

Xuân Lan| 01/07/2021 09:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2021 khai mạc sáng nay (1/7), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, phiên họp có ý nghĩa quan trọng, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, công tác điều hành của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời bàn nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách hiện nay như phòng, chống dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh...

phien-hop-chinh-phu-thang-6.jpg
Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6

Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng; các bộ trưởng các bộ; thủ trưởng các ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.

Tại phiên họp, Chính phủ sẽ nghe và thảo luận 6 báo cáo về các vấn đề, nhóm vấn đề gồm: Tình hình kinh tế-xã hội tháng Sáu và 6 tháng đầu năm 2021; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2021; tình hình thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2021.

Chính phủ nghe và thảo luận tình hình thực hiện chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2021; rà soát các quy định của luật, pháp lệnh đang gây khó khăn, vướng mắc cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; dự thảo quyết định về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025, và một số vấn đề quan trọng khác.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, phiên họp lần này có ý nghĩa quan trọng, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, công tác điều hành của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm và bàn các nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2021. Đồng thời bàn nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách hiện nay như phòng, chống dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh...

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu dự phiên họp tập trung thảo luận có trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn, cụ thể. Với tinh thần có những vấn đề cần kế thừa, ổn định, nhưng cũng có những vấn đề cần đổi mới, phát triển; việc thảo luận đi thẳng vào những vấn đề, nội dung thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ. Từ đó, đề xuất những giải pháp phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, khắc phục các hạn chế, yếu kém, tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng và Quốc hội đã đề ra.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế thế giới chứng kiến sự phục hồi không đồng đều. Các quốc gia phát triển phục hồi khá mạnh mẽ, các quốc gia đang phát triển phục hồi chậm. Các biến chủng mới COVID-19 như Delta và Delta plus đang lây lan nhanh như cháy rừng ở nhiều quốc gia, một số quốc gia phải tái lập các biện pháp phòng chống dịch bệnh; các ảnh hưởng làm hạn chế nguồn cung, khó khăn trong giao thương đã làm tăng giá cả hàng hóa và lạm phát, các quốc gia phải cân bằng giữa kiềm chế lạm phát, nợ công và duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng để phục hồi kinh tế.

Trong nước, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu đến từ các đợt bùng phát với biến chủng mới của COVD-19, tăng giá bất động sản, hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận tải, rủi ro thương mại quốc tế… Mặc dù vậy, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tổ chức thành công các sự kiện chính trị lớn của đất nước như Đại hội XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ những kết quả chủ yếu về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế khả quan dù chịu tác động từ dịch bệnh. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020.

Các cân đối lớn được đảm bảo. Tiến độ thu ngân sách tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 57,7% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. An ninh lương thực được đảm bảo, dù một số quốc gia đang thiếu lương thực và giá cả tăng cao do dịch COVID-19. Giữ vững an ninh năng lượng, vận hành ổn định thị trường điện...

Những kết quả bước đầu trong thực hiện mục tiêu kép, bảo đảm an ninh-quốc phòng và đẩy mạnh đối ngoại thời gian qua đã giúp tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ bàn nhiều vấn đề cấp bách tại phiên họp thường kỳ tháng 6