Chiêu lừa "con đang cấp cứu": Bệnh viện chỉ cách ứng phó

Thảo Nguyên| 15/03/2023 13:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lãnh đạo các bệnh viện khuyến cáo phụ huynh nếu có người lạ gọi điện hoặc nhắn tin yêu cầu chuyển tiền mới cấp cứu cho con, cháu, phụ huynh phải cảnh giác, không làm theo lời kẻ xấu; đồng thời liên hệ với nhà trường, cô giáo chủ nhiệm hoặc phòng y tế của trường để nắm rõ thông tin.

Mạo danh nhà trường hoặc bệnh viện thông báo học sinh bị tai nạn, đang cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền gấp để cứu con, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của một số phụ huynh tại TP.HCM đã xuất hiện tại Hà Nội.

Chỉ trong 2 ngày qua, nhiều phụ huynh tại Hà Nội đã nhận được các cuộc gọi từ số máy lạ với thông báo bị tai nạn, đang cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền gấp để cứu con.

Chiêu lừa

Tin nhắn khuyến cáo của giáo viên gửi đến phụ huynh.

Trước chiêu lừa "con đang cấp cứu" phải chuyển tiền gấp để được chữa trị, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Trần Bình Giang khẳng định, trong ngành y, tính mạng của người bệnh là quan trọng nhất và được đặt lên trên hết, vì thế khi tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, các bác sĩ sẽ thực hiện mọi biện pháp để cứu chữa, còn các vấn đề khác được thực hiện sau.

Nguyên tắc của bệnh viện là luôn đặt sức khỏe, tính mạng của người bệnh lên trên hết. Do đó, không bao giờ có tình huống cấp cứu mà bác sĩ chờ đợi người bệnh đóng tiền xong mới phẫu thuật. Bác sĩ trưởng ê-kíp sẽ cứu người trước, viện phí tính sau.

Lãnh đạo bệnh viện khuyến cáo phụ huynh cần hết sức tỉnh táo khi nhận các cuộc điện thoại thông báo con tai nạn, con cấp cứu... phải đóng tiền ngay để được chữa trị. Nếu có người lạ gọi điện hoặc nhắn tin yêu cầu chuyển tiền mới cấp cứu cho con, cháu, phụ huynh phải cảnh giác, không làm theo lời kẻ xấu; đồng thời liên hệ với nhà trường, cô giáo chủ nhiệm hoặc phòng y tế của trường để nắm rõ thông tin.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định, trong ngành y có câu "cứu người như cứu hỏa", tuyệt đối không thể có chuyện người nhà phải chuyển tiền xong mới được cấp cứu.

Theo PGS Điển, trước khi thực hiện ca mổ hay thủ thuật nào, người bệnh hoặc thân nhân chịu trách nhiệm y khoa như bố, mẹ, con… cũng phải kí vào giấy cam kết phẫu thuật - thủ thuật. Đây là một trong những thủ tục hành chính bắt buộc, có tính pháp lí trong hồ sơ bệnh án. Do đó, một người lạ thì không thể thay mặt gia đình ký cam kết vì khi ký cũng phải có giấy tờ pháp lý để xác minh.

Chiêu lừa

Với các trường hợp cần mổ cấp cứu, bệnh viện sẽ ưu tiên cứu người bệnh thay vì chờ thanh toán viện phí.

Còn tại Bệnh viện E (Hà Nội), bà Lưu Hoàng Linh - Phó Trưởng phòng Công tác xã hội cho biết, bệnh nhân đến cấp cứu sẽ được tiếp nhận tại Khoa cấp cứu. Người đi cùng sẽ được yêu cầu kê khai những thông tin cơ bản như: Họ, tên, năm sinh, địa chỉ, số điện thoại người thân khi cần liên hệ. Việc đóng viện phí không bắt buộc ngay tại thời điểm nhập viện cấp cứu và không phải là điều kiện đưa ra để cân nhắc có cứu chữa cho người bệnh hay không.

"Thực tế tại bệnh viện đã tiếp nhận không ít người bệnh chuyển đến không có người nhà, không có giấy tờ tùy thân vẫn được các y bác sĩ vẫn tiến hành cấp cứu như bình thường. Sau đó liên hệ để người nhà hoặc tìm người thân đến bệnh viện để hoàn thiện các thủ tục khác, trong đó có vấn đề liên quan đến viện phí hay bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, trong trường hợp bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn bệnh viện sẽ xem xét miễn hoặc giảm viện phí từ nguồn trợ giúp xã hội hoặc các quỹ từ thiện", bà Linh nói.

Bà Linh cũng cảnh báo thêm, tại nhiều bệnh viện, trong đó có Bệnh viện E đã từng xảy ra trường hợp đối tượng xấu làm nhân viên bệnh viện để nhận giúp bệnh nhân đi nộp tiền. Bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa giấy tờ và tiền để đi nộp hộ, không ít bệnh nhân và người nhà đã "dính bẫy", đến khi được bệnh viện thông báo chưa nộp tiền viện phí thì mới "ngã ngửa".

Chính vì thế bệnh nhân và người nhà cũng cần hết sức cảnh giác với người lạ, cần trực tiếp đến điểm thanh toán viện phí để nộp tiền, hoặc chuyển khoản vào số tài khoản có hiển thị tên đơn vị thụ hưởng là bệnh viện đang khám và điều trị.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường thông báo đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý

Ngày 15/3, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đã ký văn bản gửi tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn để phòng, chống hành vi lừa đảo trên; yêu cầu các trường có phương án tiếp nhận, thông báo số điện thoại đường dây nóng đến phụ huynh để xử lý kịp thời thông tin phản ánh về những sự việc và thủ đoạn lừa đảo.

Trước đó, ngay trong chiều 13, 14/3, nhiều trường học tại Hà Nội đã phát đi nội dung báo động đỏ về chiêu lừa đảo trên. Đồng thời, các trường cũng chia sẻ biện pháp ứng phó, cách xử trí khi tiếp nhận thông tin từ kẻ xấu. 

Để trấn an phụ huynh, một số trường cũng thông báo rõ nếu học sinh gặp tai nạn, nhà trường sẽ có trách nhiệm chăm sóc cho đến khi bàn giao cho phụ huynh. Vì thế khi nhận thông tin về việc "con cấp cứu", các bậc phụ huynh không vội chuyển tiền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiêu lừa "con đang cấp cứu": Bệnh viện chỉ cách ứng phó