Đời sống

Chiến thắng lịch sử 30/4 trong ký ức của người cựu chiến binh

Đức Chung 30/04/2023 07:00

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng ngày 30/4 lịch sử luôn in đậm trong ký ức của người lính Lê Mãnh Diện. Mỗi khi nhớ lại những ngày tháng “vào sinh ra tử”, ông rất xúc động xen lẫn niềm tự hào.

1-15-.jpg
Cựu binh Lê Mãnh Diện.

Tháng 6/1974, khi vừa bước qua tuổi đôi mươi, chiến tranh đang diễn ra ác liệt, chàng trai trẻ Lê Mãnh Diện (SN 1953) hăng hái lên đường nhập ngũ, chia tay cha mẹ và người vợ hiền mới cưới được tròn hai tháng.

Thời gian huấn luyện tân binh ở Đoàn 22 (đóng ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) kéo dài 6 tháng. Tháng 12/1974, Lê Mãnh Diện lúc đó là lính thông tin, cùng Sư đoàn 316 hành quân về xã Long Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An theo mệnh lệnh từ cấp trên, thực tế là để nghi binh, chuẩn bị tiến quân vào chiến trường miền Nam.

Ngày 10/3/1975, Sư đoàn 316 của Lê Mãnh Diện tiến vào thị xã Buôn Ma Thuật (nay là TP. Buôn Ma Thuột) – tỉnh Đắk Lắk, nơi có Sư đoàn 23 của Ngụy đóng quân. Theo mệnh lệnh của cấp trên, 1 giờ 55 phút sáng 10/3, quân ta nổ súng bắt đầu tiến công Buôn Ma Thuật.

Cựu binh Diện nhớ lại: “Những trận đánh giành quyền kiểm soát địa bàn diễn ra quyết liệt, khiến cả ta và địch chịu nhiều tổn thất và thương vong. Sau một ngày, đến 11 giờ ngày 11/3, quân đội ta giải phóng thị xã Buôn Ma Thuật. Lúc đó tôi và mọi người vỡ òa niềm vui, thấy hạnh phúc vô cùng”.

Tại sân bay Hòa Bình, cách trung tâm thị xã Buôn Ma Thuật khoảng 10km về phía đông. Nơi có căn cứ 53 rất kiên cố của chính quyền Mỹ-Ngụy, vì vậy quân địch tập trung nhiều lực lượng và hỏa lực mạnh để bảo vệ.

Quân ta bắt đầu nổ súng từ sáng 10/3, tấn công và làm chủ một phần sân bay, một bộ phận khác của quân ta đánh căn cứ 53, nhưng bị địch phản kích dữ dội, thiệt hại nhân lực nhiều.

Sau nhiều trận đánh trong thế giằng co giữa ta và địch, đến ngày 17/3/1975, căn cứ 53 của địch bị quân ta tiêu diệt, làm chủ toàn bộ khu vực sân bay Hòa Bình.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với Đại thắng Mùa xuân năm 1975. Thắng lợi Buôn Ma Thuột làm cho đối phương choáng váng, là một “cú hích” để những đoàn quân giải phóng thần tốc tiến về Sài Gòn.

Với tiền đề là trận thắng mở màn ở Buôn Ma Thuật. Ngày 20/4, quân ta đánh Ấp Trà Võ (Tây Ninh), đến ngày 23/4, quân ta tiếp tục tiến quân giải phóng tỉnh Tây Ninh, qua đó chặn đường quốc lộ 22, không cho địch đường rút lui về Sài Gòn.

Nhiều trận đánh ở các huyện, cứ điểm quan trọng liên tục diễn ra, riêng trận đánh ở căn cứ quân sự Đồng Dù ngày 29/4/1974 là trận đánh hết sức ác liệt, nhằm đập tan “cánh cửa thép” ở cửa ngõ Sài Gòn.

Đúng 5 giờ 30 phút ngày 29/4, lệnh nổ súng tiến công căn cứ Đồng Dù vang lên. Pháo binh của ta nã xối xả vào căn cứ địch. Sau đòn hỏa lực, bộ binh các hướng được lệnh tấn công. Quân địch tập trung chống cự điên cuồng. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng quyết liệt. Nhưng với chiến thuật, sự thông minh và khả năng chuyển biến linh hoạt trên chiến trường. Đồng Dù bị tiêu diệt và tan rã.

Căn cứ Đồng Dù - “cánh cửa thép” của địch bảo vệ Sài Gòn bị đập tan, đường vào Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của địch đã thông, các lực lượng xe tăng, pháo binh ào ạt tiến vào Sài Gòn, lần lượt đánh chiếm Trung tâm huấn luyện Quang Trung, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Đến 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, quân ta khí thế hào hùng tiến quân vào Dinh Độc Lập trước sự thất thủ của ngụy quân. Cờ Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc nhà Dinh Độc Lập, báo hiệu miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Sau khi Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 6/1976, Sư đoàn 316 được lệnh tiến ra Bắc (đóng quân ở tỉnh Yên Bắc), chuẩn bị đánh quân Trung Quốc ở Chiến tranh biên giới.

Cựu binh Lê Mãnh Diện vẫn còn nhớ như in năm đó: “Ngày 23/3/1979, tại đồi 608 xã Cốc San, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, diễn ra trận đánh ác liệt giữa ta và quân Trung Quốc. Tại đây, tôi bị lựu đạn của đối phương ném vào người, bị thương ở vùng ngực và mất ngón tay cái của bàn tay phải”.

Sau thời gian trị thương, đến tháng 7/1981, ông xuất ngũ trở về gia đình, đó cũng là lần đầu trở về thăm bố mẹ và vợ của người lính Lê Mãnh Diện sau 7 năm xa nhà.

Trải qua quãng thời gian chiến đấu kiên cường, ác liệt đã tôi luyện nên ý chí cũng như nghị lực của cựu binh Diện. Trở về địa phương, ông cùng vợ tích cực lao động, sản xuất để nuôi dạy các con nên người. Với những đóng góp của ông cho Tổ quốc, ông đã được tặng nhiều Huân chương, giấy khen các loại…

Với ông, sống sót để trở về với gia đình đó là điều may mắn, bởi chiến tranh lúc đó quá ác liệt. Giờ đây khi nhớ về những đồng đội của mình đã ngã xuống năm nào, lòng ông thấy nặng trĩu.

Ông Diện xúc động nói: “Chiến tranh đã lùi xa, nơi đó đã có biết bao thế hệ cha ông đã phải ngã xuống, đã hy sinh xương máu cho dân tộc. Tôi đã chiến đấu vì Tổ quốc, được chứng kiến ngày miền Nam giải phóng hoàn toàn và được trở về với gia đình. Chỉ mong sao thế hệ con cháu sau này sẽ giữ mãi hào khí của dân tộc, ghi nhớ những trang sử hào hùng của đất nước, nhớ công ơn của thế hệ cha ông để góp trí lực xây dựng Tổ quốc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến thắng lịch sử 30/4 trong ký ức của người cựu chiến binh