Mới đây, lãnh đạo Công đảng đối lập của Anh Jeremy Corbyn tuyên bố, quan điểm tiếp cận Brexit của ông là ủng hộ việc Anh ở lại làm thành viên của Liên minh Thuế quan EU.
Theo AFP, lãnh đạo phe đối lập Anh Jeremy Corbyn ngày 26/2 đã kêu gọi thành lập liên minh hải quan toàn diện mới giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU), sau khi Anh rời khỏi EU (còn được gọi là Brexit).
Theo đó, việc thay đổi cách tiếp cận của Công đảng được cho là đứng cùng với phe nổi loạn trong đảng Bảo thủ cầm quyền nhằm đánh bại chiến lược Brexit của Thủ tướng Theresa May, buộc chính quyền của bà May phải thay đổi tiến trình.
Giải thích cho lập trường của mình, ông Corbyn cho biết, ông muốn tránh tình trạng "biên giới cứng" xảy ra tại Bắc Ireland và muốn đảm bảo tự do lưu thông hàng hóa cho các hoạt động kinh doanh giữa EU và Anh.
Thủ tướng Theresa May
Người đứng đầu Công đảng cũng cho biết, ông không muốn Anh sẽ đi theo mô hình của Na Uy, theo đó Anh sẽ tuân thủ các quy định của EU nhưng lại có rất ít tiếng nói tại EU. Ông Corbyn muốn Anh phải có tiếng nói thực sự tại các cuộc đàm phán thương mại với EU thời hậu Brexit chứ không phải chỉ thụ động tuân theo các quy định của EU.
Tuyên bố trên của ông Corbyn bị đảng Bảo thủ chỉ trích là làm rối ren vấn đề Brexit và “chơi trò chính trị” với tương lai của đất nước. Tuy nhiên, ông Corbyn khẳng định Công đảng luôn tìm kiếm để Brexit phải đặt quyền lợi của người lao động lên trên hết.
Về phía Thủ tướng Anh Theresa May, bà luôn khẳng định nước Anh sẽ rời cả thị trường đơn lẻ và liên minh thuế quan EU, tạo điều kiện để Anh có thể đàm phản những thỏa thuận thương mại cho thời hậu Brexit với các nước trong và ngoài EU.
Được biết, liên minh thuế quan cho phép tự do lưu thông hàng hóa giữa các nước thành viên của liên minh này mà ở đó các công ty sẽ không phải đóng thuế xuất khẩu hay bất cứ loại thuế khóa nào tại cửa khẩu. Tuy nhiên, các nước thành viên của khối sẽ phải cùng nhau ký chung các thỏa thuận thương mại với các nước không nằm trong liên minh thuế quan.
Còn thị trường đơn lẻ là một mô hình hợp tác sâu đậm hơn ở đó các nền kinh tế của các nước thành viên được kết lại thành 1 khối, cho phép tự do lưu thông, dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ, tiền và con người giữa các nước thành viên theo kiểu như là một quốc gia chung.