Trong hầu hết các trường hợp, người đăng tải các video đánh ghen lên mạng đều có tâm lý muốn xúc phạm làm nhục người bị đánh ghen. Theo quy định của pháp luật, tùy thuộc vào tính chất, mức độ người đăng tải phát tán video có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
Hỏi: Trong thời gian gần đây trên các nền tảng mạng xã hội bỗng nhiên nhiều vụ đánh ghen liên tiếp được phát tán rộng rãi trên không gian mạng. Những vụ việc do người trong cuộc chủ đích vừa đánh ghen vừa đăng tải lên cộng đồng mạng, hoặc có khi những người không liên quan với vai trò quan sát cũng phát tán những hình ảnh về một số vụ đánh ghen của người khác. Nếu xem xét trên phương diện pháp luật, việc đăng tải, phát tán, chia sẻ video, clip đánh ghen lên mạng có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì vi phạm quy định nào và bị xử lý ra sao?
Nguyễn Mai Hương, Hòa Bình
Trả lời: Việc phát tán, đăng tải và chia sẻ các video, clip đánh ghen, bắt ghen rộng rãi lên nền tảng mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi lẽ trong các video đã có sử dụng hình ảnh của người bị đánh ghen mà không được cho phép.
Bên cạnh đó, hình ảnh của một người cũng nằm trong vấn đề nhân thân của người đó – một nội dung được pháp luật bảo vệ và cụ thể nội dung này được quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015.
“Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trong hầu hết các trường hợp, người đăng tải các video đánh ghen lên mạng đều có tâm lý muốn xúc phạm làm nhục người bị đánh ghen. Theo quy định của pháp luật tùy thuộc vào tính chất, mức độ người đăng tải phát tán video có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
Đối với chế tài xử phạt hành chính, hiện nay Nghị định số15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/4/2020 có quy định tại điều 101 như sau:
“Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Như vậy, theo quy định nói trên việc cung cấp hoặc chia sẻ các thông tin xúc phạm danh dự của cá nhân có thể bị phạt tới 20.000.000 đồng. Không chỉ vậy, biện pháp khắc phục hậu quả của Nghị định 15/2020, buộc gỡ bỏ thông tin sau sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật. Hơn nữa người vi phạm có thể sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về danh dự nhân phẩm.
Không chỉ dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự, người có hành vi hình ảnh, video đánh ghen xúc phạm đến danh dự của cá nhân sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác (Điều 155) Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
“Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Hành vi đăng tải phát tán video, clip đánh ghen trên mạng xã hội tưởng chừng như có vẻ đơn giản nhưng lại có thể kéo theo rất nhiều hệ lụy như gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến nhiều người nhất là người trẻ như trẻ nhỏ vô tình xem các video này sẽ bắt chước các hành vi xấu, lời nói thiếu văn hóa. Các video trên có thể là tác nhân gây ra nạn bạo lực trong gia đình, bạo lực xã hội, bạo lực học đường. Vì vậy cần phải xử lý thật nghiêm những người có hành vi nói trên, hơn nữa các cơ quan nhà nước cũng cần thắt chặt quản lý nội dung nhằm làm sạch môi trường mạng.