Theo UBCK Nhà nước, hiện có 120 mã cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang niêm yết trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UpCoM, vốn hóa hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23% toàn thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Từ năm 2017 đến nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) thuộc nhóm này đều có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khá tốt. Riêng 3 quý đầu năm 2019, biên lợi nhuận của DN đạt trên 15%, cho thấy khả năng tạo lợi nhuận của các DN BĐS niêm yết ngày càng ổn định. Quy mô vốn của DN cũng tăng qua các năm và có sự cân bằng về tỷ trọng các nguồn vốn.
Đầu tư tập trung, không dàn trải
Bước sang năm 2020, các chuyên gia đánh giá nhóm doanh nghiệp BĐS niêm yết sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền và dẫn dắt thị trường nhờ lợi thế lớn về nguồn vốn, quỹ đất và “giỏ hàng” đa dạng.
Điểm qua thị trường có thể thấy, thay vì đầu tư vào nhiều mảng miếng, các DN địa ốc niêm yết dường như đang dồn lực trong một vài loại hình BĐS nhất định nhằm tránh dàn trải nguồn vốn và đáp ứng được đúng nhu cầu của thị trường.
Trong đó, mảng BĐS đô thị với các sản phẩm nhà ở, liền kề, shophouse… hứa hẹn sẽ sôi động hơn trong năm 2020 khi chuẩn bị chào đón sự xuất hiện của hàng loạt dự án quy mô từ các “ông lớn”.
Vinhomes (VHM) sẽ tiếp tục hoàn thiện 3 dự án đại đô thị trọng điểm gồm Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Grand Park, cùng với kế hoạch mới xúc tiến nghiên cứu một dự án KĐT quy mô hơn 1.800 ha ở Hưng Yên.
Tập đoàn Đất Xanh (DXG) năm nay dự kiến bán ra thị trường khoảng 12.000 sản phẩm, chủ yếu đến từ dự án khu căn hộ cao cấp Gem Riverside và dự án 92 ha ở Long Thành.
Tương tự, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) định hướng BĐS đô thị ở phân khúc trung bình tại trung tâm các đô thị cấp 2, đồng thời tham gia một cách chọn lọc một số dự án nghỉ dưỡng để tạo nền tảng phát triển dài hạn.
Mảng BĐS đô thị với các sản phẩm shophouse, liền kề... được FLCHomes chú trọng năm 2020
Một DN đang có kế hoạch niêm yết trong năm 2020 là FLCHomes (FHH) - thương hiệu BĐS đến từ hệ sinh thái của Tập đoàn FLC cũng cho thấy sự quan tâm lớn đến BĐS đô thị khi dự kiến đưa ra gần 20 dự án phân phối, chủ đạo sẽ là shophouse, liền kề, shopvilla nằm trong tổ hợp đô thị tại các TP lớn trên cả nước.
Bên cạnh đô thị, phân khúc nghỉ dưỡng cũng được nhiều DN theo đuổi trong năm 2020.
Như Novaland (NLV), các đô thị du lịch nghỉ dưỡng chiếm tỷ trọng tới 75% trong quỹ đầu tư năm 2020. Còn Tập đoàn CEO sẽ tiếp tục phát triển thương hiệu nghỉ dưỡng Sonasea, hướng tới mục tiêu đưa ra thị trường 3.000 - 5.000 phòng nghỉ dưỡng vào năm 2021.
Với FLCHomes, trong 10 dự án đầu tư đang xúc tiến triển khai, DN này cho biết sẽ cân đối giữa tỷ lệ BĐS nhà ở, liền kề tại các KĐT và BĐS du lịch trong một tổ hợp quy mô như mô hình vốn được Tập đoàn FLC triển khai trước đây tại FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn hay FLC Hạ Long…
Phân khúc nào là tâm điểm đầu tư?
Nhìn vào kế hoạch 2020 của các DN BĐS niêm yết dễ dàng nhận thấy một điểm chung về xu hướng triển khai những dự án quy mô lớn, tích hợp đa tiện ích, hướng đến nhu cầu thực.
Dự báo về phân khúc BĐS hoạt động khả quan nhất năm 2020 tại diễn đàn “Xu thế dòng tiền vào BĐS 2020”, có tới 47% ý kiến hội thảo lựa chọn đất nền và 28,8% lựa chọn biệt thự, liền kề, shophouse, cho thấy dư địa phát triển rất lớn của phân khúc này trong giai đoạn tới.
Theo phân tích của Chủ tịch VNREA Nguyễn Trần Nam, với quy mô dân số đông thứ thứ 3 khu vực, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đứng đầu về gia tăng nhu cầu nhà ở tại các đô thị và đến năm 2025, phải xây thêm khoảng 100 triệu m2 nhà ở mới có thể đáp ứng nhu cầu của người dân.
BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục phát triển tại các trung tâm du lịch
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa còn kích cầu BĐS nghỉ dưỡng, nhất là các loại hình dịch vụ mua sắm, giải trí tại các trung tâm du lịch.
Về trung hạn, với trên 20 triệu khách quốc tế mỗi năm có thời gian nghỉ trung bình từ 5 - 7 ngày, khách nội địa khoảng 85 triệu lượt người nghỉ từ 3 - 4 ngày, VN cần thêm hàng chục ngàn phòng khách sạn cao cấp đi kèm tiện ích vui chơi giải trí.
Cùng mức thu nhập ngày càng cải thiện và kinh tế phát triển năng động, dự báo những phân khúc như liền kề, shophouse… trong các tổ hợp BĐS đầy đủ hạ tầng, tiện ích sẽ ngày càng được ưa chuộng.
Giữa bối cảnh tín dụng vào BĐS đang siết chặt, các chuyên gia cho rằng để có thể triển khai những DA quy mô lớn, DN BĐS sẽ cần huy động dòng tiền đến từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó nguồn vốn đến từ cổ phiếu, trái phiếu đóng vai trò quan trọng.
Với quy mô vốn hóa của TTCK VN ở ngưỡng 80% GDP, đây vẫn là kênh dẫn vốn tốt cho nền kinh tế nói chung và các DN BĐS nói riêng.