Một người nổi tiếng giàu có ở nước ta vừa rồi về thăm trường cũ, đã tặng trường và thầy cô một số tiền khá lớn nhưng không hề đưa lên báo. Vậy thử hỏi anh ta có vụ lợi, vụ danh?
Đừng nhìn vào món quà mà cho đó là vụ lợi
PV: Ngày nhà giáo, rồi vào dịp lễ nào đó, nhiều phụ huynh băn khoăn không biết tặng gì, nên “đi phong bì cho nhanh”. Thầy nghĩ sao về điều này?
Thầy Văn Như Cương: Tôi quý trọng và đánh giá cao truyền thống tôn sư trọng đạo, tình cảm thầy trò, sự tôn trọng của phụ huynh đối với thầy cô. Không nên vì một số vụ việc mà cho rằng truyền thống ấy đang bị thương mại hóa. Đó chỉ là một bộ phận nhỏ. Một chút quà của phụ huynh tặng thầy cô giáo không có tính chất vụ lợi.
Bản thân tôi cũng thường nhận được sự chào đón, thăm hỏi, hay những món quà của phụ huynh có con từng học tại trường, nhớ ơn thầy đến ngày này về thăm. Đó không phải là vụ lợi mà chỉ là tình cảm, lòng biết ơn thực sự. Những trường hợp như đến kỳ thi sợ con điểm kém, không được lên lớp, lại phải lo đi thầy đi cô thì ít lắm.
Tôi còn nhớ ngày xưa, khi cha tôi làm hương sư, có người mang đến chục trứng, gói trà, ông nhận. Nhưng có lần có người mang đến biếu ông con gà trống thiến nói ở nhà nuôi được, ông không nhận. Ông bảo: “Nếu con gà này đáng thịt thì nên thịt cho cháu nó ăn”. Bây giờ, chẳng hạn phụ huynh mang biếu thầy chai rượu hay giỏ hoa quả gì đó… thì cũng đừng nhìn vào đó mà đánh giá rằng đó là sự vụ lợi.
Tình trạng “đưa phong bì”, tôi nghĩ trong từng hoàn cảnh, điều này cũng hợp lý. Khi tôi nằm ở viện, phụ huynh đến thăm bảo “không biết mua gì, nên gửi cô để mua gì thì mua” nên không thể từ chối được bởi đó là tấm lòng của họ. Sau đợt điều trị, tôi cũng góp lại được một khoản kha khá và quyết định nhân dịp đầu năm học mới, cùng với tiền sách mới in, xin bổ sung vào quà tặng, tặng mỗi học sinh một cái áo cờ đỏ sao vàng để làm lễ khai giảng.
Đây là tấm lòng, việc từ chối cũng không ổn. Phải phân biệt giữa nghĩa tình và lợi lộc. Nếu vì lợi mà từ chối nghĩa là không hợp lý vì sẽ khiến họ áy náy. Nhưng trường hợp như thế này thì tôi sẽ không nhận. Có người mang hồ sơ đến xin việc kèm theo phong bì thì “mất điểm hoàn toàn”.
Thầy Văn Như Cương và các thầy cô
cùng học sinh trường Lương Thế Vinh rực đỏ trong chiếc áo cờ đỏ sao vàng tham gia lễ khai giảng chào mừng năm học mới 2014 - 2015
PV: Nếu phát hiện trong trường có sự việc “đưa phong bì” như trên thì thầy sẽ xử lý thế nào ạ?
Thầy Văn Như Cương: Ở trường tôi, nếu phụ huynh muốn bày tỏ tấm lòng với thầy cô thì tất cả cùng họp bàn với nhau. Còn một cá nhân nào đó muốn tặng riêng cho thầy cô nào đó thì đấy có thể là vì tình cảm cá nhân của họ. Và nếu có phê phán thì chỉ có thể nói vụ lợi hay không vụ lợi mà thôi.
Nhân đây tôi cũng kể một câu chuyện về một người nổi tiếng giàu có ở nước ta vừa rồi về thăm trường cũ đã tặng trường và thầy cô một số tiền khá lớn. Rõ ràng anh ta chẳng có gì vụ lợi trong việc này. Sự việc này cũng không hề được báo chí đưa lên, chứng tỏ anh ta cũng không hề “vụ danh” để nổi tiếng hơn.
PV: Một cô bé có mẹ là giáo viên thường được mẹ kể cho nghe câu chuyện về những bông hoa điểm 10. Nhưng bỗng một ngày cô bé mếu máo “Mẹ ơi, con chẳng có hoa điểm 10 tặng mẹ”. Thầy nghĩ sao về câu chuyện này?
Thầy Văn Như Cương: Về việc không cho điểm thì tôi cũng đã từng trả lời báo chí. Tôi cho rằng chủ trương đó hơi cực đoan. Từ trước tới nay bao giờ cũng kết hợp cho điểm với lời phê, nhận xét. Bài kiểm tra bao giờ cũng có hai phần như vậy. Bỏ hẳn định lượng mà chỉ chú ý định tính để hạn chế sự mặc cảm, ức chế, hợm hĩnh, kiêu căng của học sinh… hay cả phụ huynh thì điều này không đúng.
Về mặt tâm lý, sự mặc cảm có thể xảy ra, sự kiêu căng có thể xảy ra nhưng chúng ta phải có định hướng giáo dục. Tâm lý ganh đua một cách lành mạnh trong một tập thể rất cần thiết. Chẳng hạn khi chúng ta chia hai nhóm ra kéo co với nhau thì phải có thắng thua. Ai cũng muốn thắng. Thắng thì vui, thua thì buồn. Nhưng thua thì sẽ quyết tâm cố gắng để thắng lần sau.
Chẳng hạn khi phát biểu xây dựng bài, bạn trả lời đúng sẽ rất thích. Mình không biết thì phải cố gắng để lần sau giơ tay. Giờ chúng ta cào bằng thì sẽ làm thui chột tính ganh đua ấy.
Còn nếu nói rằng việc này tránh để học thêm thì không phải. Nhiều phụ huynh nói giờ họ không biết con họ đứng ở chỗ nào và sợ con không biết lại phải cho đi học thêm, thậm chí còn nhiều hơn.
Lớp 1, lớp 2 thì bỡ ngỡ, có thể áp dụng việc không cho điểm. Nhưng dần dần cần đưa vào khuôn phép.
Thầy và… Facebook
PV: Là một hiệu trưởng nổi tiếng trên mạng xã hội. Thầy cũng có một facebook cá nhân thu hút sự chú ý của nhiều học sinh. Vậy thầy nghĩ gì về việc học sinh sử dụng facebook quá nhiều và bị rơi vào những trò không lành mạnh trên mạng xã hội?
Thầy Văn Như Cương: Chúng ta không ngăn cấm được học sinh dùng facebook bởi đó là quyền cá nhân của các em. Mọi việc đều có hai mặt. Facebook là mạng chia sẻ, vui buồn đều có thể sẻ chia. Tuy nhiên, việc chia sẻ này làm như thế nào là đúng tùy thuộc vào sự thông minh, hiểu biết của mỗi người.
Trước đây tôi đã đăng những điều “4 điều cấm kỵ” khi dùng facebook như: Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt; Tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai... và thu hút sự chú ý của rất nhiều người.
Nói chung không nên cấm các em dùng facebook, nhưng đừng để các em nghiện, nghiện rất nguy hiểm. Nó cũng như nghiện game hay bất cứ thứ gì.
PV: Thầy cũng vừa đăng một status về một slogan trên áo đồng phục của học sinh một lớp 8 trong trường: HỌC thì LỢI, CHƠI thì HẠI. HỌC + CHƠI = LỢI HẠI. Đây là một thông điệp rất giàu ý nghĩa.
Thầy Văn Như Cương: Vừa học vừa chơi là rất đúng. Chơi cũng có tính chất học. Học quá căng thẳng mà không chơi thì cũng ko tốt. Mà chơi thuần túy, chơi không thì cũng không được.
Chẳng hạn ở trường chúng tôi khi tổ chức cho các em đi dã ngoại, các em rất thích. Chúng học tập được nhiều. Không những thế, quan hệ bạn bè mở rộng và gắn bó với nhau hơn. Vừa học
Chơi vừa học hỏi vừa gắn kết tình bạn với nhau.
PV: Là một người thầy nổi tiếng có khi nào thầy thấy phiền phức không ạ?
Thầy Văn Như Cương: (Cười) Cứ khi nào có vấn đề gì liên quan đến giáo dục là phải chuẩn bị vì nhất định sẽ được báo chí hỏi thăm.
Chuyện bên lề: 1. Đến trường gặp thầy. Thầy cô trong trường hỏi: “Em học sinh cũ phải không?”. Tôi cười: “Dạ”. Bước từng bậc cầu thang, cảm giác thân quen của một thời học trò chợt ùa về. 2. Vẫn biết thầy còn đang yếu, nhưng nghe giọng nói, nhìn gương mặt sáng và tươi của thầy, giọng nói rất hài hước, thường xuyên nở nụ cười, thấy lòng mừng và an yên. Thầy bảo thuốc thầy đang dùng có vẻ hợp. Ngồi cạnh thầy, một cảm giác gần gũi hệt như đứa trò nhỏ vẫn được thầy giáo ngồi bên tận tình chỉ bài. 3. Kết thúc cuộc phỏng vấn, trong lúc chờ đoàn khách khác có hẹn thầy. Thầy ngồi bàn làm việc, màn hình máy tính đang mở mail trả lời ai đó. Nhìn dáng thầy ngồi và nhìn máy tính, mắt vẫn tinh anh lắm. Vui. Thầy bảo thầy đang trả lời về việc Công Phượng. “19 hay 21 thì sao, thằng bé nó có tội tình gì. Còn muốn nó phải làm thế nào nữa?”… |