Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình tiếp xúc cử tri tỉnh Long An

Nguyễn Quang Trung| 12/12/2015 19:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 12/12, Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Long An, đơn vị bầu cử số 1, gồm các ĐBQH Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; ĐBQH Nguyễn Minh Lâm, Bí thư Huyện ủy Bến Lức, tỉnh Long An đã tiếp xúc cử tri tại huyện Đức Hòa và Bến Lức.

Cùng dự hội nghị còn có các ông Lê Bá Phước, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Long An; Hoàng Văn Liên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An; lãnh đạo TAND tỉnh, các ban, ngành của tỉnh, các huyện và đông đảo bà con cử tri hai huyện trong tỉnh.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, ĐBQH Nguyễn Minh Lâm thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo khái quát kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII diễn ra từ ngày 20/10-27/11/2015. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016; thông qua 16 Luật, 16 Nghị quyết; xem xét, cho ý kiến lần đầu 10 dự án Luật. Đặc biệt, kỳ họp đã có nhiều đổi mới trong hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn với 4.492 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội; 140 câu hỏi chất vấn của ĐBQH gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Trhưởng các ngành. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử Quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia, phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia; Quyết định ngày bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 dự kiến vào ngày 22/5/2016; Bầu Tổng thư ký để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Luật tổ chức Quốc hội.

Tại các buổi tiếp xúc, các cử tri bày tỏ vui mừng trước kết quả trên các lĩnh vực kinh tế -  xã hội của đất nước trong thời gian qua. Cử tri tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của Quốc hội. Bên cạnh đó, cử tri kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là cử tri vô cùng lo lắng trước việc sử dụng chất cấm tràn lan trong chăn nuôi và dư lượng chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt để Quốc hội xem xét.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC đã nêu rõ: Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII có nhiều đổi mới. Phiên họp giải quyết nhiều vấn đề, trong đó Quốc hội đề ra Nghị quyết  giữ môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục các cấp học; quyết định thực hiện việc tăng lương cơ sở trong năm 2016.

Đặc biệt, hình thức chất vấn Quốc hội cũng có nhiều đổi mới, thay vì trả lời chất vấn theo chuyên đề như trước đây, nay các Bộ trưởng, Trưởng ngành phải trả lời bất kỳ các câu hỏi mà cử tri, ĐBQH quan tâm. Và tại kỳ họp, lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội đã trả lời chất vấn của các đại biểu.

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình tiếp xúc cử tri tỉnh Long An

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri

Về các vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, Chánh án Trương Hòa Bình phát biểu, nêu bật 3 vấn đề: Tình hình phát triển kinh tế xã hội; Việc nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do và tình hình đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian qua...

Về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: Với sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội và của các ĐBQH, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã ứng phó kịp thời, có hiệu quả với những biến động kinh tế, chính trị khó lường của thế giới trong năm 2015 và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, dự trữ ngoại tệ tăng nhanh, đạt mức cao nhất từ trước tới nay; mặt bằng lãi suất tương đối ổn định. Các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt một số kết quả tích cực bước đầu. Tuy nhiên, kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn; Năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp.

Về việc ký kết, tham gia các Hiệp định quốc tế, Chánh án nêu rõ: Nước ta đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với 10 nước; hoàn tất quá trình đàm phán và đã ký kết FTA với Liên minh Châu Âu (EU). Đồng thời, ngày 05/10/2015 vừa qua, quá trình đàm phán Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc thành công, chuẩn bị tiến tới ký kết TPP với 12 nước; Cộng đồng ASEAN sẽ hình thành vào cuối tháng 12/2015. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như vậy, kinh tế trong nước sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi, nhưng cũng phát sinh không ít khó khăn, thách thức. Khi nước ta tham gia các Hiệp định kinh tế nêu trên, sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển trong sản xuất, kinh doanh cho các địa phương, đặc biệt là lĩnh vực xuất nhập khẩu; đồng thời cũng sẽ tạo ra rất nhiều sức ép, lực cản, thách thức trong cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, nguồn nguyên liệu, nguồn lực lao động, giá cả các sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước… Đòi hỏi chúng ta phải có dự báo, có kế hoạch và những giải pháp căn cơ ngay từ bây giờ, để đáp ứng với tình hình, phù hợp với những quy định mới khi nước ta tham gia các Hiệp định đó. Nhà nước sẽ xây dựng thể chế, các quy định nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất và xuất khẩu sản phẩm. Về phía người dân, các doanh nghiệp trong nước, cần phải kết hợp chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà khoa học và không ngừng nâng cao trình độ quản lý kinh tế, đáp ứng tình hình hội nhập quốc tế...

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình tiếp xúc cử tri tỉnh Long An

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trao đổi với cử tri tỉnh Long An

Về công tác phòng chống tham nhũng, Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta là đẩy lùi tình trạng tham nhũng. Kết quả công tác đấu phòng chống tham nhũng thời gian qua đã có tác dụng phòng ngừa, răn đe nhất định đối với tệ tham nhũng. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, tinh vi.  Năm 2016, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu như: Chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp phòng chống tham nhũng, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục về các biểu hiện, tác hại của tham nhũng đối với phát triển kinh tế, xã hội; Tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng để chuẩn bị sửa đổi toàn diện, cơ bản Luật Phòng chống tham nhũng; Tăng cường thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, phát hiện xử lý vi phạm trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Quốc hội cũng yêu cầu các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các Bộ, Ngành cần tăng cường đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tạo sự chuyển biến rõ nét về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các ngành, các cấp.

Đối với TAND, Chánh án TANDTC đã ban hành Công văn số 242/CV-TA ngày 02/11/2004 về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; Công văn nêu rõ: Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải khẩn trương nghiên cứu hồ sơ, bố trí lịch xét xử, sớm đưa vụ án ra xét xử kịp thời; Đồng thời, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa phải áp dụng ngay các biện pháp tư pháp, như kê biên, phong tỏa tài sản để kịp thời thu hồi tài sản thất thoát cho Nhà nước. Cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt, hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản Nhà nước. Đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng, nếu tự nguyện khắc phục, nộp lại ¾ giá trị tài sản… có thể được Toà án xem xét giảm mức án theo quy định của Pháp luật. Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng đang xem xét, nghiên cứu xây dựng Nghị quyết về  xét xử các tội liên quan đến tham nhũng, nhằm xử lý nghiêm minh, kịp thời, và có tác dụng răn đe, phòng ngừa cao.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình tiếp xúc cử tri tỉnh Long An