Chính trị

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn: Thẳng thắn, rõ ràng và trách nhiệm cao

Mai Thoa 20/03/2023 15:20

Phiên chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình vào sáng 20/3 đã kết thúc với 50 câu hỏi của 29 ĐBQH. Phần trả lời chất vấn của Chánh án TANDTC được đánh giá thẳng thắn, rõ ràng và trách nhiệm cao.

200320230816-z4195743455940_c7a1819790d63041f4cfc0da205896b3-1-.jpg

Thẳng thắn, rõ ràng, trách nhiệm cao

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá: Phiên chất vấn Chánh án TANDTC diễn ra rất sôi nổi, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Các ĐBQH đã bám sát nội dung chất vấn, đặt nhiều câu hỏi, tập trung vào những vấn đề thuộc nội dung chất vấn, đi sâu vào vấn đề đại biểu và cử tri cả nước, cũng như dư luận xã hội quan tâm và mong muốn có những giải pháp tốt hơn để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại trong thời gian tới, nâng cao hơn nữa chức năng, nhiệm vụ và hoạt động có hiệu quả hơn của Tòa án.

Với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực quản lý đã từng có kinh nghiệm trả lời chất vấn nhiều lần nên Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã trả lời rõ ràng, đúng trọng tâm câu hỏi của đại biểu, giải trình cụ thể những vấn đề đại biểu quan tâm tranh luận.

Chánh án TANDTC cũng nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Tòa án trong thời gian tới, nhất là tập trung vào các khâu, nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của Tòa án theo đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cũng như mong muốn của cử tri và nhân dân cả nước, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Xuyên suốt nội dung trả lời chất vấn cho thấy,  tất cả các nội dung chất vấn của đại biểu, kể cả vấn để gai góc nhất đều được Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao, không né tránh.

Điển hình như câu hỏi của đại biểu Mai Phương Hoa - Nam Định chất vấn về tỷ lệ án hành chính hủy, sửa còn cao.  Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã thẳng thắn thừa nhận có nhiều tồn tại xung quanh án hành chính, như tỷ lệ xử lý thường thấp hơn so với yêu cầu của Quốc hội. Bên cạnh đó, tỷ lệ hủy, sửa án hành chính còn nhiều. Quốc hội cho phép án hủy sửa tỷ lệ 1,5% nhưng tỷ lệ này thực tế lên tới 4%. Và việc án hành chính không được thi hành nghiêm túc gây bức xúc cho người dân.

200320230844-mai-thi-phuong-hoa-nam-dinh-1-.jpg
Đại biểu Nguyễn Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình

Chánh án TANDTC thừa nhận, việc nể nang là có thật, khi xét xử, các Thẩm phán xét xử UBND cùng cấp cũng có nể nang, nhưng tỷ lệ không nhiều. Đa số Thẩm phán phát huy tính bản lĩnh, chuyên nghiệp, xét xử nghiêm túc.

Tuy nhiên, nguyên nhân là do việc cung cấp tài liệu của UBND các cấp cho người dân không đầy đủ trong khi việc chuẩn bị tài liệu đủ hay không ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử.

Tiếp đến là sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính rất hạn chế. Những hạn chế này xuất phát từ quy định của Luật Tố tụng hành chính quy định Chủ tịch UBND khi bị kiện phải ra Tòa, nếu ủy quyền chỉ được ủy quyền cho cấp phó, nhưng ở cấp tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thường rất nhiều việc nên thời gian ra Tòa hạn chế, làm ảnh hưởng đến quyền của người dân.

Tuy nhiên, với việc cả nể, dù ít vẫn cần được đặt ra nên tới đây khi sửa Luật Tổ chức Tòa án, vấn đề Tòa chuyên trách cũng được đặt ra để xử lý vấn đề này, Chánh án khẳng định.

Hay liên quan đến phần chất vấn của đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) về việc bồi thường người bị oan, bị thiệt hại trong tố tụng rất chậm, nhiều người đã qua đời khi không thể chờ giải quyết bồi thường, đề nghị Chánh án cho biết nguyên nhân và giải pháp để giải quyết tình trạng này ra sao?

Không né tránh vấn đề, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận thực tế này và cho biết giai đoạn trước còn xuất hiện tình trạng oan sai do chất lượng xét xử chưa cao. Song, với những trường hợp bị chậm trễ trong bồi thường oan sai, thì việc bồi thường phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, quy định của Tòa không thể cao hơn luật.

200320230858-z4195763062855_fbb9529d86ccce812f44a0feb886808e.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của các ĐBQH

Về trách nhiệm của mình, Chánh án cũng rất chia sẻ với những trường hợp bị oan, sai, và luôn mong muốn sửa sai cho nhanh, bồi thường cho nhanh, vì thiệt hại với họ là rất lớn. "Nhưng đã là quy định của luật thì phải theo, chứ Tòa không thể tùy nghi chi cho người này 1 tỷ đồng, người kia 2 tỷ đồng”, Chánh án một lần nữa khẳng định.

Đi đến tận cùng những vấn đề bất cập

Ông cũng là người trăn trở về thực tế giải quyết vụ án hành chính hiện nay. Trong phần tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) nói về những bất cập xung quanh việc nhiều vụ án hành chính Chủ tịch tỉnh hoặc người có đơn xin giải quyết vắng mặt.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu lên thực tế Chủ tịch UBND tỉnh bận rất nhiều công việc mà không thường xuyên tham gia các phiên xử án hành chính (khiến cho việc giải quyết loại án này hiện nay đang chậm trễ, tỷ lệ giải quyết không cao-PV).

Có lẽ phương án khả thi hiện nay cần là việc ủy quyền sâu hơn thay vì chỉ được ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng. Trước đây, khi ban hành Luật Hành chính, Quốc hội có đặt ra vấn đề này.

Vì sao quyết định hành chính có vấn đề thì Chủ tịch phải ra Tòa? Nếu đúng thì phải ra Tòa giải thích cho dân, còn sai thì phải sửa theo phán quyết của Tòa. Quốc hội muốn đề cao trách nhiệm của Chủ tịch tỉnh, trước khi ra phán quyết phải đong đếm thật kỹ để không sai, còn sai phải chịu, Chánh án cho biết, đây là mong muốn của ĐBQH từ khoá trước. Còn việc có cần sửa quy định này hay không, Quốc hội cần có tổng kết.

Khi đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) hỏi về tình trạng áp dụng không đúng pháp luật trong xử án hình sự, Chánh án TANDTC thừa nhận tình trạng này là có, nhưng tỷ lệ dưới 1,5%. "Mỗi năm Tòa án phải giải quyết khoảng 80.000 vụ, và tỷ lệ áp dụng không đúng chỉ dưới 1,5%”, Chánh án cho hay.

Đồng thời Chánh án cũng khẳng định, với lỗi chủ quan sẽ bị xử lý. “Nghiêm trọng sẽ bị kỷ luật, còn không thì bị dừng xét xử, không tái bổ nhiệm. Các Thẩm phán rất lo lắng về việc không tái bổ nhiệm vì họ phấn đấu cả đời để làm Thẩm phán”.

Về tỷ lệ giải quyết đơn yêu cầu tuyên bố phá sản của doanh nghiệp chưa cao, Chánh án TANDTC thừa nhận thực tế này và cho hay về phía chủ quan, hơn 6.000 Thẩm phán rất giỏi trong xử án hình sự, dân sự nhưng kinh nghiệm trong xét xử các vụ án phá sản còn thiếu.

Do đó, Tòa án tiếp tục đề xuất sửa Luật Phá sản để tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng Thẩm phán trong xét xử án phá sản. Đây là án chuyên biệt có chuyên môn sâu nên đề nghị cho phép hình thành Tòa phá sản chuyên biệt, thành lập ở các thành phố lớn, chỉ chuyên xét xử vụ việc phá sản. Nếu hình thành Tòa chuyên biệt chất lượng xét xử thời gian tới sẽ khác.

Người đứng đầu hệ thống Tòa án cũng hứa sẽ tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ Thẩm phán trong thời gian tới, khi đại biểu chất vấn về biên chế, cán bộ.

Trả lời đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) hỏi về giải pháp nâng cao chất lượng xét xử với số lượng biên chế hiện nay và thực trạng nhiều Thẩm phán áp lực trong quá trình xét xử vì chế độ đãi ngộ và bảo vệ chưa tương xứng, Chánh án Nguyễn Hòa Bình báo cáo thực tế biên chế Tòa án chỉ có 15.300 người nhưng số vụ án trong một năm lên tới hàng trăm nghìn vụ.

Kết thúc năm 2022, hệ thống Tòa án phải giải quyết 570.000 vụ, tăng gấp đôi, nhưng biên chế phải giảm 10% theo tinh thần chung. Điều này tạo nên áp lực với Tòa án. Chất lượng xét xử cũng bị ảnh hưởng.

Trung bình mỗi Thẩm phán phải xử 5-6 vụ/tháng, cá biệt có địa phương hơn 10 vụ. Một tháng xử nhiều như thế thì phần nào cũng ảnh hưởng chất lượng. Trước thực tế khó khăn đó, TANDTC đã trình xin Thường vụ Quốc hội cho giữ biên chế của Tòa án, mà không phải giảm 10% theo quy định chung, Chánh án cho hay.

z4196630332331_0f9b6a73dd795d73c38f059d7c426ba7.jpg

“Chúng tôi tham khảo kinh nghiệm nhiều nước xem 600.000 vụ/năm đã phải điểm dừng chưa? Với quốc gia 100 triệu dân như ở Việt Nam thì số lượng án xét xử là 1,5-2 triệu vụ, như vậy số lượng án có thể tăng, chứ chưa dừng ở con số 600.000 vụ/năm. Còn trong điều kiện biên chế thiếu vẫn phải nâng cao chất lượng xét xử”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

Về cơ chế bảo vệ Thẩm phán, Chánh án TANDTC xác nhận chế độ, chính sách của Việt Nam kém hơn so với nhiều nước, trong khi nhiều quốc gia có cơ chế bảo vệ rõ ràng.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng thêm một lần nữa khẳng định, sẽ xử lý rất nghiêm khắc những Thẩm phán nếu để xảy ra vi phạm, tham nhũng, tiêu cực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn: Thẳng thắn, rõ ràng và trách nhiệm cao