Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Không có việc chỉ đạo án trong xét xử

Mai Thoa| 10/11/2020 09:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không có việc chỉ đạo án của Tòa cấp trên đối với cấp dưới trong xét xử tất cả các loại án, chứ không riêng gì án hành chính. Tòa án tôn trọng sự độc lập xét xử của Thẩm phán, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

Sáng nay (10/11), ngày thứ 3 Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn.

Không có chuyện “chỉ đạo án”

Đầu giờ sáng Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trả lời các đại biểu về lao động việc làm; chất lượng đào tạo và tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trả lời tiếp những nội dung mà ngày hôm qua các ĐB chất vấn về điều tra xử lý Công ty sản xuất phân bón Thuận Phong về công tác giám định của Bộ Xây dựng.

Tiếp đến, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời câu hỏi của ĐB Đỗ Ngọc Thịnh về việc có hay không việc chỉ đạo giải quyết án hành chính?

202011061118511615_chanh-an-toa-an-nhan-dan-toi-cao-nguyen-hoa-binh-2-.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Không có việc Tòa án cấp trên chỉ đạo án

Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, không có việc chỉ đạo án của Tòa cấp trên đối với cấp dưới trong xét xử tất cả các loại án, chứ không riêng gì án hành chính. Tòa án tôn trọng sự độc lập xét xử của Thẩm phán.

Còn việc Tòa án các địa phương lúng túng trong việc áp dụng pháp luật khi xét xử các vụ án hỏi thì Tòa án cấp trên hướng dẫn. Trong phần hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của cấp trên đối với cấp dưới luôn luôn khẳng định là tài liệu tham khảo, còn quyết định là là do các Thẩm phán.

Còn chỉ đạo án là phải có hồ sơ mang lên cùng nhau nghiên cứu và thống nhất bằng một văn bản. “Chúng tôi không thể chỉ đạo án bằng một công văn. TANDTC hướng dẫn những nội dung chuyên môn còn đang có cách hiểu khác nhau, không phải chỉ đạo án như ĐB chất vấn”, Chánh án TANDTC khẳng định.

Khó khăn với một số địa phương

Trước đó, ngày 9/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn về sắp xếp đơn vị hành chính, tinh giảm biên chế và việc, xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong thi tuyển công chức, viên chức…

Bộ trưởng cho biết, triển khai Nghị quyết 19 của Trung ương về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, những đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên chỉ được quyết định 2 vấn đề là vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Với đơn vị sự nghiệp công lập có ngân sách Nhà nước đảm bảo một phần hoặc toàn bộ phải thực hiện theo quy định của pháp luật, không tự chủ về vị trí việc làm, biên chế hay đầu tư. Với đơn vị công lập tự chủ hoàn toàn, gồm tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư thì được quyết định cả tổ chức bộ máy. Những đơn vị khác thì quy định số lượng tối thiểu ở một số phòng.

202011090929526609_bo-truong-bo-noi-vu-le-vinh-tan-2-.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vình Tân

Trả lời câu hỏi của ĐB Quách Thế Tản về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân hay, phải thực hiện được 3 mục tiêu. Thứ nhất, từ khi ban hành Nghị quyết đến hết năm 2020 phải giảm 10% đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập. Tiêu chí 2 giảm 10% số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và giảm 10% số đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã đề nghị với Bộ trưởng GD&ĐT cần có phương án bố trí, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp cho từng vùng miền khác nhau.

Căn cứ nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính. Đến thời điểm này, việc sắp xếp đã tạm ổn, việc sắp xếp các đơn vị hành chính đến năm 2021 là kết thúc.

Chính phủ cần có tổng kết thời gian sắp tới chúng ta tiếp tục thực hiện việc sắp xếp nữa hay không, vì nghị quyết của Quốc hội chỉ tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Có dưới 50% diện tích tự nhiên và quy mô dân số chúng ta tiến hành sắp xếp đợt này.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, trong Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 6 chưa đặt vấn đề sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua việc sắp xếp cũng có gặp khó khăn với các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện. Trước tiên là thực hiện chế độ chính sách, lúc đầu các địa phương cứ nghĩ rằng thực hiện dễ, nên hầu hết các địa phương đề nghị việc sắp xếp cán bộ, công chức đến 31/12/2022. Nhưng thực tế chính sách cho phép không quá 5 năm. Do đó đề nghị Quốc hội cho áp dụng nghị Quốc hội xem xét vấn đề này.

Sẽ xóa bỏ điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Liên quan việc ĐB Nguyễn Văn Chiến (TP.Hà Nội) đã đề cập đến vấn đề thực hiện lời hứa của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong điều kiện thi công chức, việc chức.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Trong quá trình tổ chức triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chức và Viên chức, các nghị định của Thủ tướng Chính phủ cũng tập trung cho vấn đề xem xét giảm bớt các thủ tục trong việc tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch, thăng hạng viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cán bộ.

202011030949286425_nguyen-van-chien-doan-dbqh-tp.-ha-noi-3-.jpg
ĐBQH Nguyễn Văn Chiến

Về vấn đề tuyển dụng, nghị định Chính phủ đã quy định là đối với những trường hợp khi tốt nghiệp các bằng chuyên môn đã chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ GDĐT. Ví dụ như ngoại ngữ thuộc trình độ bậc 3 thì không cần phải yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ nữa. Nếu trường đại học đã đào tạo chuẩn rồi là không cần nữa, Bộ trưởng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, để thực hiện vấn đề này, trong nghị định cũng giao cho các Bộ quản lý chuyên ngành sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp của viên chức. Trong đó có quy định về trình độ tin học và ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm.

Về việc tiến tới bỏ các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong vấn đề tuyển dụng, nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về chuyển ngạch của công chức và hạng viên chức.

Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa, mà chỉ quy định về năng lực sử dụng ngoại ngữ và tin học, thể hiện trong các kỳ thi kiểm tra trên máy vi tính và không yêu cầu phải cung cấp văn bằng, chứng chỉ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Không có việc chỉ đạo án trong xét xử