Nếu không có 11 đơn vị máu hiếm của cộng đồng dành cho em khi cấp cứu và 4 lần phẫu thuật thì chắc em không có ngày hôm nay”.
Đó là chia sẻ của chàng trai 23 tuổi - Nguyễn Thanh Sơn (ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa) tại hội nghị “Gặp mặt câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc” được tổ chức ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương ngày 24/11.
Tháng 8/2018, trong một lần đi biển đánh cá, Sơn bị tai nạn lao động. Mảnh kim loại xoẹt ngang cánh tay khiến chàng trai sinh năm 1996 mất quá nhiều máu, bất tỉnh.
Sơn được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An cấp cứu trong tình trạng hôn mê, cơ thể chỉ còn 13% máu. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ thông báo Sơn thuộc nhóm máu A Rh(D)-, đây là nhóm máu hiếm có tiền cũng không mua được.
Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ lời cảm ơn tới các thành viên "gia đình máu hiếm". Ảnh: Công Thắng
Tình trạng của Sơn lúc đó rất nguy cấp nếu không có người hiến máu ngay lập tức. Tất cả người thân của Sơn ngay sau đó đã cùng viết thông tin lên mạng xã hội để kêu gọi mọi người có nhóm máu hiếm đến giúp Sơn.
Nhiều người ở xã Hải Thanh (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), nơi Sơn sinh sống đã đến trung tâm y tế để đăng ký hiến máu nhưng không ai trùng nhóm máu.
May mắn, đêm đó, có 2 phụ nữ xa lạ tìm đến bệnh viện để hiến máu cho Sơn. Nhờ có 2 đơn vị máu này, Sơn qua cơn nguy kịch để chuyển ra Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu. Thế nhưng bệnh viện Việt Đức cũng chỉ có 2 đơn vị máu để truyền cho cuộc phẫu thuật lần một.
Thông tin về Sơn tiếp tục được các tình nguyện viên đăng tải trên các hội nhóm hiến máu. Vũ Hoàng Long, 28 tuổi (quê ở Bá Thước, Thanh Hóa) đã bắt xe khách ra bệnh viện để hiến máu cho Sơn. Trong đêm, bác sĩ nói hiện chưa cần nên Long thuê nhà trọ ngủ lại, đợi sáng hôm sau hiến.
Sau đó Sơn may mắn nhận được thêm 7 đơn vị máu hiếm khác để trải qua 3 cuộc phẫu thuật, nhưng vì thời gian đến bệnh viện cấp cứu quá trễ nên cánh tay phải không thể cứu.
Khi tỉnh dậy, được người thân kể lại những người đã hiến tặng máu cho mình, Sơn không khỏi xúc động. 4 lần phẫu thuật, truyền 11 đơn vị máu, giúp Sơn hôm nay có thể tiếp tục nghề đi biển truyền thống của gia đình.
Sau khi hồi phục trở lại, việc đầu tiên Sơn làm là gia nhập CLB nhóm máu hiếm tỉnh Thanh Hóa. Chàng trai trẻ chia sẻ: “Em đã được nhận máu từ rất nhiều người rồi, giờ có cơ hội, em muốn trao tặng lại máu của mình cho những người kém may mắn khác”.
Ngày 24/11 tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Sơn và Long gặp lại nhau. Sơn vô cùng cảm kích khi gặp lại ân nhân. Sơn và Long chỉ là 2 trong số hàng trăm thành viên của CLB máu hiếm khu vực phía Bắc. "Chỉ cần gọi là có mặt" là thông điệp của CLB. Không ngại vượt đường xa, đêm tối, sẵn sàng trao đi giọt máu hiếm của mình vì họ biết, họ là nguồn sống, tia hy vọng duy nhất cho người bệnh.
TS Ngô Mạnh Quân - Phó Giám đốc Trung tâm máu Quốc gia cho biết, ở Việt Nam, có khoảng 0,1% dân số (nghĩa là cứ 1.000 dân có 1 người) có nhóm máu Rh(D-) (bao gồm nhóm O-, A-, B-, AB-). Đây được coi là nhóm máu hiếm.
Trong khi đó, ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc... tỷ lệ nhóm máu Rh(D-) trong cộng đồng cao hơn nhiều, chiếm khoảng 15 - 40% dân số.
Nhóm máu hiếm Rh(D-) như các nhóm máu khác; người có nhóm máu hiếm có cuộc sống sinh hoạt, học tập, lao động như tất cả những người mang nhóm máu Rh(D+) (trên 99% người Việt Nam).