Chấn chỉnh hoạt động cấp phát, kinh doanh thuốc điều trị Covid-19

Chí Tâm| 02/12/2021 09:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước thực trạng thuốc điều trị Covid-19 được rao bán tràn lan trên mạng với giá đắt đỏ, Sở Y tế TP.HCM đề nghị chấn chỉnh hoạt động cấp phát, kinh doanh thuốc điều trị Covid-19, tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi đến Trung tâm y tế, Phòng y tế quận, huyện và TP Thủ Đức; cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn TP về việc chấn chỉnh hoạt động cấp phát, kinh doanh thuốc điều trị Covid-19.

Theo Sở Y tế TP.HCM, lợi dụng tâm lý lo lắng và nhu cầu dự trữ thuốc điều trị của người bệnh Covid-19, hiện các thuốc kháng virus không có nguồn gốc, xuất xứ đang được chào bán trên mạng với giá cao.

thuoc.jpeg
Thuốc kháng virus Molnupiravir nằm trong gói thuốc C dành cho F0 điều trị tại nhà được sử dụng theo quyết định đặc biệt của Bộ Y tế nhưng hiện đang được rao bán tràn lan trên mạng. Ảnh minh họa

Việc kinh doanh trái phép các thuốc chưa được cấp giấy phép lưu hành có thể dẫn đến các nguy cơ về sức khỏe như bệnh trở nặng hoặc biến chứng do dùng thuốc giả, dùng thuốc không đúng chỉ định, dùng thuốc cho các đối tượng chống chỉ định hoặc không theo dõi tác dụng phụ.

Để tăng cường kiểm soát hoạt động cấp phát thuốc cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà và hoạt động kinh doanh thuốc, Sở Y tế đề nghị Trung tâm Y tế quận, huyện và TP Thủ Đức hướng dẫn, tập huấn cho các trạm y tế, trạm y tế lưu động khám bệnh, chỉ định cấp phát thuốc và tư vấn sử dụng thuốc cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà theo đúng quy định.

Quản lý, kiểm soát việc sử dụng thuốc của người bệnh Covid-19 trên địa bàn, tránh thất thoát thuốc kháng virus được cấp phát ra ngoài thị trường.

Đối với cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn TP, duy trì đáp ứng thực hành tốt phân phối thuốc, thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc và kinh doanh thuốc đúng phạm vi theo giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đã được Sở Y tế cấp.

Không kinh doanh thuốc chưa được cấp giấy phép lưu hành sản phẩm, thuốc sử dụng trong chương trình thử nghiệm, thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đối với Phòng y tế quận, huyện và TP Thủ Đức, Sở Y tế đề nghị các đơn vị này tăng cường tiếp nhận thông tin về việc kinh doanh các thuốc kháng virus trôi nổi trên địa bàn quản lý. Tổ chức kiểm tra việc kinh doanh của các cơ sở bán lẻ thuốc và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).

Ngày 23/11, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành công văn về việc cập nhật "Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 (phiên bản 1.6)".

Thuốc điều trị Covid-19 tại nhà gồm 3 gói. Cụ thể, gói thuốc A là thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng; gói thuốc B là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt; gói thuốc C là thuốc kháng virus.

Các thuốc kháng virus như Molnupiravir, Favipiravir chưa được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành sản phẩm. Molnupiravir đang được sử dụng theo Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát trường hợp mắc Covid-19 của Bộ Y tế, tuân thủ chỉ định và cấp phát theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế (F0 có triệu chứng nhẹ và ký cam kết sử dụng).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chấn chỉnh hoạt động cấp phát, kinh doanh thuốc điều trị Covid-19