Giao thông

Cát biển có thể thay cho cát sông để đắp nền đường cao tốc

Minh Triết 11/11/2023 - 10:49

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đã đồng loạt triển khai xây dựng nhiều tuyến đường bộ cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, do thiếu nguồn vật liệu cát san lấp, đắp nền đường nên các dự án đang triển khai đều bị chậm tiến độ.

Vụ khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) - Bộ GTVT vừa ký ban hành Thông báo số 12513/BGTVT-KHCN&MT về kết quả triển khai chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ về việc báo cáo, xử lý thông tin báo chí về công tác quản lý, khai thác cát và khó khăn của các chủ đầu tư dự án đường bộ cao tốc do thiếu vật liệu xây dựng.

Cát biển đắp nền đường có chất lượng tương đương cát sông

Theo ông Lê Văn Dương, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT - Bộ GTVT, thực hiện ý kiến của lãnh đạo Bộ về việc nghiên cứu, tìm nguồn vật liệu thay thế cho nguồn cát sông đang ngày càng cạn kiệt, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã thực hiện dự án thí điểm sử dụng cát biển đắp nền đường cho đoạn tuyến hoàn trả đường tỉnh 978 thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Hậu Giang - Cà Mau .

doan-duong-su-dung-cat-bien.jpg
Cát biển được đưa vào thí điểm đắp nền đường đoạn tuyến hoàn trả đường tỉnh 978 thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Hậu Giang - Cà Mau

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, quy mô thiết kế chiều dài đoạn thí điểm sử dụng cát biển là 300m dùng thi công cho các lớp cát đắp có độ chặt 95% (K95) có chiều dày lớp đắp cát biển từ 0,5m đến 1m; đã hoàn thành công tác thi công đoạn thí điểm trong tháng 7/2023, thông xe trong tháng 8/2023.

Đến nay, các kết quả đạt được như sau: cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm được lấy tại mỏ cát biển đã được cấp phép của tỉnh Trà Vinh có tính chất cơ bản đáp ứng các yêu cầu làm vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:2012 (nền đường ô tô - thi công và nghiệm thu).

Kết quả phân tích các mẫu cát biển cho thấy các chỉ tiêu đã được phân tích môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn quốc gia về chất lượng trầm tích, có thể khẳng định việc sử dụng cát biển từ mỏ lấy đến thời điểm báo cáo là không có biểu hiện tác động đến môi trường.

Về tác động môi trường của đoạn tuyến thí điểm: Đến tháng 10/2023, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã thực hiện quan trắc 5 lần số liệu môi trường (quan trắc lần cuối vào tháng 11/2023).

Kết quả quan trắc môi trường tại các vị trí quan trắc cho thấy chưa có biểu hiện rõ ràng việc sử dụng cát biển không làm tăng độ mặn cũng như sự lan truyền của độ mặn trong nước mặt, nước ngầm và đất quanh khu vực thi công.

Quan trắc độ ổn định nền đường cho thấy độ sụt lún, chuyển vị ngang của nền đường đến cuối tháng 9/2023 chưa có dấu hiệu bất thường.

“Sau 5 tháng triển khai thí điểm đắp nền đường bằng cát biển cho thấy về chất lượng vật liệu cát biển của đoạn thí điểm đạt yêu cầu về vật liệu đắp nền đường, các chỉ tiêu kỹ thuật về sức chịu tải, độ ổn định đoạn sử dụng cát biển làm nền đường có giá trị tương tự các đoạn sử dụng cát sông, chưa có bằng chứng biểu hiện rõ ràng về việc sử dụng cát biển làm tăng độ mặn cũng như sự lan truyền của độ mặn trong nước mặt, nước ngầm và đất quanh khu vực thi công; Chưa có biểu hiện về tác động môi trường tới cây trồng vật nuôi khu vực xung quanh”, báo cáo của Vụ KHCN&MT - Bộ GTVT kết luận.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, việc sử dụng cát biển làm nền đường vẫn cần được tiếp tục xem xét đánh giá kỹ về chất lượng cát biển của từng khu vực, điều kiện tự nhiên, môi trường nền và các dự báo tác động môi trường với khu vực xung quanh.

Do đó, Bộ GTVT yêu cầu Vụ KHCN&MT, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành (Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN và Bộ Xây dựng) để tập hợp các thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, kết quả nghiên cứu về độ mặn nước tưới tiêu và cây trồng vật nuôi, các kết quả đánh giá tác động sạt lở bờ biển, sự thay đổi dòng chảy trong trường hợp khai thác cát biển và trữ lượng cát biển có thể khai thác; bên cạnh đó thì các công nghệ xử lý cát biển, tiêu chuẩn về cát biển, cát nhiễm mặn sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp cũng đang được tổng hợp, đánh giá.

Dự kiến đến hết tháng 12/2023, Hội đồng đánh giá cấp Bộ sẽ họp tổng kết về dự án thí điểm và nhiệm vụ nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường mà Chính phủ đã giao.

Bộ GTVT cũng đề nghị Viện KH&CNGTVT khẩn trương tiếp thu các ý kiến góp ý của bộ ngành, chuyên gia của Tổ công tác, hoàn thiện đề cương và trình Bộ GTVT phê duyệt; phối hợp, thỏa thuận với Tập đoàn Geleximco về kinh phí hỗ trợ trong việc triển khai lấy mẫu thí nghiệm theo đề cương; chuẩn bị tài liệu tổ chức hội thảo sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường và san lấp, hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết về nhiệm vụ này;

Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam chủ động đề xuất, xem xét về việc xây dựng, ban hành Tiêu chuẩn cơ sở về sử dụng vật liệu cát biển làm vật liệu đắp cho công trình giao thông.

Cát sông đang ngày càng cạn kiệt

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), trong khi lượng cát đổ về ĐBSCL chỉ từ 2 - 4 triệu m3/năm, nhưng khai thác cát ở đây gấp hàng chục lần nên nguồn tài nguyên này ngày càng cạn kiệt.

thieu-cat.jpg
Nhiều tuyến đường bộ cao tốc tại ĐBSCL chậm tiến độ do thiếu cát đắp nền

Theo ông Hà Huy Anh - Quản lý quốc gia Dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL - WWF, WWF đã có dự án khảo sát đánh giá trữ lượng cát trên 2 con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu với chiều dài trên 550km. Qua khảo sát cho thấy trữ lượng cát trên hai nhánh sông này hiện còn khoảng 367 - 550 triệu m3. Trong khi lượng cát từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL hàng năm chỉ 2 - 4 triệu m3.

Nếu giữ nguyên tốc độ khai thác như hiện tại (từ 35 – 55 triệu m3), thì trữ lượng cát tích lũy từ hàng trăm năm qua ở ĐBSCL sẽ cạn kiệt trong 10 năm tới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định hình thái và khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL.

Theo ông Lương Văn Hùng, Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, ĐBSCL đang đứng trước một thách thức lớn, đó là cân bằng giữa phát triển kinh tế, ổn định xã hội và duy trì các chức năng sinh thái tự nhiên. Ở ĐBSCL, cát sông, vốn được xem là vật liệu có giá thành rẻ, dễ khai thác, là nguồn vật liệu thiết yếu trong xây dựng.

Từ góc nhìn môi trường, cát sông là thành tố quan trọng của trầm tích cân bằng quá trình lún tự nhiên của đồng bằng, duy trì tính nguyên vẹn và khả năng chống chịu của ĐBSCL trước các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Do đó, khai thác cát sông quá mức là một trong những tác nhân chính gây ra việc thâm hụt trầm tích, dẫn đến gia tăng xói mòn lòng sông, sạt lở bờ sông bờ biển, khuếch đại thủy triều và gia tăng xâm nhập mặn vào mùa khô.

“Mặc dù hiện nay nhu cầu vật liệu cát phục vụ cho các công trình xây dựng là rất lớn nhưng không vì thế mà tiếp tục đẩy mạnh khai thác nguồn tài nguyên này. Số liệu khảo sát đánh giá từ dự án “ngân hàng cát” do WWF – Việt Nam thực hiện là một cơ sở dữ liệu quan trọng để ngành chức năng, các địa phương tham khảo, qua đó có những giải pháp khai thác, tìm vật liệu thay thế, thay đổi biện pháp thi công công trình nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên cát và khai thác cát bền vững”, ông Hùng đề xuất.

Theo Bộ GTVT, tổng nhu cầu cát đắp nền cho các tuyến cao tốc đang triển khai thi công trong giai đoạn 2021 – 2025 tại ĐBSCL vào khoảng 54 triệu m3. Ngoài một số địa phương có trữ lượng cát sông còn nhiều như: An Giang, Đồng Tháp và một phần của tỉnh Vĩnh Long, còn lại các địa phương khác đều gặp khó khăn trong huy động nguồn vật liệu này.

Cũng theo Bộ GTVT, đánh giá bước đầu cho thấy trữ lượng cát biển tại khu vực ĐBSCL còn rất lớn, trong đó chỉ riêng 2 địa phương là Sóc Trăng, Trà Vinh trữ lượng đã trên 14 tỷ m3. Nếu cát biển đạt được các tiêu chuẩn kỹ thuật để đưa vào phục vụ san lấp thì bài toán thiếu cát tại khu vực ĐBSCL đã có lời giải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cát biển có thể thay cho cát sông để đắp nền đường cao tốc