Cảnh giác với tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em

Nam Phương| 06/08/2014 17:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian gần đây tình hình tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em có chiều hướng gia tăng, hoạt động của tội phạm diễn biến phức tạp.

Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của nạn nhân để lừa bán

 Vừa qua, TAND tỉnh Lạng Sơn đã mở phiên tòa lưu động tại xã Trùng Quán, huyện Văn Lãng xét xử 3 bị cáo: Mạc Thị Mai, sinh năm 1970; Đào Văn Nghị, sinh năm 1989; Hoàng Văn Duy, sinh năm 1988, về các tội danh mua bán trẻ em, mua bán người.

Ngày 24/11/2012, các bị cáo Đào Văn Nghị, Hoàng Văn Duy và Mạc Thị Mai với thủ đoạn lừa dối là rủ các cháu N.T.T và Đ.T.S, (cùng SN 1997) đều trú tại xã Trùng Quán, huyện Văn Lãng đi chơi, sang nhà người thân ở chợ Ái Điểm, Trung Quốc mua sắm quần áo rồi bán cho Mạc Thị Mai lấy 30.000 nhân dân tệ, đổi được 96 triệu đồng Việt Nam chia nhau. Mạc Thị Mai bán lại lấy lãi 30.000 nhân dân tệ. Ngày 16/1/2013, cũng với thủ đoạn trên, các bị cáo đã lừa chị V.T.H.V, sinh năm 1994, trú ở xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng bán cho Mạc Thị Mai lấy 12.000 nhân dân tệ chia nhau. HĐXX đã tuyên Mạc Thị Mai 14 năm tù về tội mua bán trẻ em, 7 năm tù về tội mua bán người, tổng hợp hình phạt 19 năm tù. Trước đó, tháng 11/2013, HĐXX TAND tỉnh đã tuyên Mạc Thị Mai 13 năm tù về tội mua bán trẻ em trong một vụ án khác.

Cảnh giác với tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em

Các bị cáo trong vụ án mua bán người do TAND tỉnh Lạng Sơn xét xử

Đây là một trong số nhiều vụ án mua bán phụ nữ, trẻ em mà Tòa án đã đưa ra xét xử. Thủ đoạn của bọn tội phạm thường sử dụng trong các vụ án là lợi dụng sự thiếu hiểu biết, sự nhẹ dạ cả tin của một số phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là người dân tộc thiểu số như: Giả vờ hứa hẹn yêu đương tìm cách rủ đi chơi; hứa hẹn đi sang Trung Quốc làm ăn với thu nhập cao; hay dụ dỗ đưa sang Trung Quốc lấy chồng giàu có…; Cách thức tiếp cận các bị hại rất đa dạng như: gặp trực tiếp rủ rê, thông qua bạn bè, sử dụng mạng Internet… để làm quen, sau đó bọn chúng lừa, đưa phụ nữ và trẻ em sang Trung Quốc để bán cho những người đàn ông Trung Quốc mua làm vợ hoặc bán cho các chủ chứa bắt làm gái mại dâm.  Đối với tội phạm buôn bán trẻ em, các đối tượng thường tìm đến các cơ sở chăm sóc, nuôi dạy trẻ mồ côi ở các cơ sở xã hội, bệnh viện phụ sản, nhà hộ sinh để móc nối buôn bán trẻ em có nguy cơ (trẻ bị bỏ rơi, sau khi sinh cho, bán con...).

Điển hình như vụ án Sùng Thị May và đồng bọn phạm tội “Mua bán người” và tội “Mua bán trẻ em”, xảy ra tại xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, bản thân Sùng Thị May khi phạm tội mới hơn 16 tuổi đã cùng Vàng Seo Vềnh và Giàng Seo Lừ trong một lần phạm tội đã lừa đưa 5 bị hại sang Trung Quốc bán lấy tiền (trong đó có một phụ nữ và 4 trẻ em). Đến khi xét xử vụ án, mới có 3 bị hại trốn thoát và trở về Việt Nam, còn 2 bị hại từ khi bị bán sang Trung Quốc không rõ địa chỉ ở đâu. Thủ đoạn của Sùng Thị May là lợi dụng sự ngây thơ, nhẹ dạ cả tin đã rủ rê các bị hại đi chơi, sau đó liên lạc với đồng bọn đưa sang Trung Quốc, đến khi bị bán các bị hại mới biết là mình bị Sùng Thị May lừa. Hay vụ Nông Văn Uyên và đồng bọn phạm tội “Mua bán người” và tội “Mua bán trẻ em” xảy ra tại Thôn Nậm Than, xã Nậm Cang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, bằng thủ đoạn giả vờ tán tỉnh yêu đương, sau đó rủ đi chơi dự sinh nhật, Nông Văn Uyên đã bàn bạc với Nông Văn Điệp lừa các cháu là Vù Thị Thương và Vàng Thị Má đưa sang Trung Quốc để bán. Tại thời điểm đó bị hại Vàng Thị Má mới 13 tuổi 7 tháng là người trong độ tuổi trẻ em.

Trách nhiệm của cộng đồng

Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an, trung bình mỗi năm, lực lượng chức năng phát hiện từ 400 - 500 vụ, liên quan đến 700 đối tượng, lừa bán gần 1.000 nạn nhân. Trong năm 2013, xảy ra 507 vụ (tăng 4%). Sáu tháng đầu năm 2014, xảy ra 301 vụ (tăng 16% so với cùng kỳ).

Từ năm 2008 đến tháng 6/2014, cả nước xảy ra gần 3.000 vụ mua bán người ở hầu hết trên 63 tỉnh, thành; liên quan đến 4.700 đối tượng, lừa bán 5.800 nạn nhân. Trong đó, gần 90% là mua bán người ra nước ngoài (chủ yếu là sang Trung Quốc), 10% là mua bán nội địa; gần 500 vụ mua bán người vì mục đích hôn nhân, với hơn 1.000 đối tượng, lừa bán trên 1.100 nạn nhân.

 Tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em đang là một vấn nạn, diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng ở quy mô toàn cầu. Theo báo cáo của Cơ quan thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên hiệp quốc - UNODC, hàng năm trên thế giới có khoảng 800.000 - 1.000.000 người bị buôn bán; khoảng 12 triệu người bị cưỡng bức lao động và lao động tình dục. Ước tính, mỗi năm lợi nhuận thu được từ hoạt động của tội phạm buôn bán người trên thế giới có giá trị từ 30 - 40 tỷ USD/năm.

Trong những năm qua, tội phạm mua bán người hoạt động ngày càng tinh vi xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ, xuyên quốc gia và quốc tế. Những năm gần đây không chỉ xảy ra mua bán phụ nữ, trẻ em mà còn có cả các trường hợp mua bán nam giới ép lao động nặng nhọc (ở Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Dương), mua bán nội tạng (ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Ninh Thuận), mua bán trẻ sơ sinh, bán trẻ còn trong bào thai (ở Hà Nội, Quảng Ninh, Sóc Trăng)...; bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em (ở Lai Châu, Hà Giang). Đối tượng phạm tội hầu hết là người trong nước cấu kết với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu ở nước ngoài hình thành những đường dây khép kín, hoạt động xuyên quốc gia và quốc tế.

Để tránh sập bẫy bọn buôn người, người dân cần có ý thức cảnh giác trước thủ đoạn của tội phạm mua bán người, trước những lời dụ dỗ, hứa hẹn về việc làm hoặc lấy chồng nước ngoài. Đối với từng gia đình, cần nâng cao nhận thức cho mọi thành viên về hậu quả, tác hại của nạn mua bán người đối với bản thân, gia đình và xã hội; giáo dục các thành viên trong gia đình luôn quan tâm, thương yêu, đoàn kết, gắn bó, thắt chặt sợi dây tình cảm; giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, ngăn ngừa bạo lực gia đình, bạo lực học đường, đặc biệt bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em. Các bậc phụ huynh cần quan tâm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, không để trẻ em bỏ học, lao động sớm. Cần hỗ trợ, cảm thông, chia sẻ khó khăn với các thành viên trong gia đình bị mua bán trở về. Khi phát hiện những trường hợp nghi vấn có hành vi mua bán người, phải kịp thời báo cho chính quyền địa phương và công an nơi gần nhất.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các đoàn thể và cộng đồng xã hội cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật liên quan đến mua bán người nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về phương thức, thủ đoạn, nguyên nhân, hậu quả, tác hại của tội phạm mua bán người; cách phòng tránh và kỹ năng tự bảo vệ mình trước tội phạm mua bán người. Các cơ quan tố tụng kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án mua bán người, mua bán trẻ em.

Ngoài ra, cần cung cấp thông tin, trang bị kiến thức, rà soát, quan tâm, giúp đỡ những phụ nữ, trẻ em trong các gia đình gặp khó khăn về việc làm, đời sống hoặc trong gia đình có mâu thuẫn có thể dẫn đến phụ nữ, trẻ em bỏ nhà ra đi; tăng cường hỗ trợ, tạo việc làm, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; hỗ trợ những người bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em