Vấn đề quan tâm

Cảnh báo tình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc tại nước ngoài

Hà An 24/09/2024 - 19:44

Để tránh bị lừa đảo, người lao động có nhu cầu đi làm việc nước ngoài chỉ liên hệ trực tiếp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi cư trú. Tuyệt đối không nghe theo các thông tin quảng cáo không chính thống và không liên hệ với các tổ chức, cá nhân trung gian, môi giới…

Ngày 24/9 Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết: Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, khuyến cáo người lao động, nhưng vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng đối tượng môi giới đưa tin, lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc theo diện visa E8.

lua-dao-xuat-khau-lao-dong.jpg
Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo, người lao động có nhu cầu đi làm việc nước ngoài chỉ liên hệ trực tiếp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi cư trú.

Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định Chương trình lao động thời vụ diện visa E8 là chương trình hợp tác trực tiếp giữa địa phương của Việt Nam với địa phương của Hàn Quốc trên cơ sở bản Thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa địa phương hai nước để tuyển chọn đưa người lao động cư trú tại địa phương sang làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc theo Chương trình này.

Đến nay, có 17 địa phương gồm Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thái Bình, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Quảng Bình, Hậu Giang, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Nam Định, Đăk Lăk, Yên Bái, Lâm Đồng, Bạc Liêu và Phú Yên đã ký thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc để đưa lao động thời vụ đi làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E-8.

Tại các địa phương triển khai chương trình này, việc tuyển chọn, làm hồ sơ, thủ tục và đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc do cơ quan chức năng của địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện.

Để tránh bị lừa đảo, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình lao động thời vụ visa E8 chỉ liên hệ trực tiếp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi cư trú để tìm hiểu thông tin liên quan và làm các thủ tục cần thiết.

“Tuyệt đối không nghe theo các thông tin quảng cáo không chính thống và không liên hệ với các tổ chức, cá nhân trung gian, môi giới”, Cục Quản lý lao động ngoài nước lưu ý và thông tin người lao động cũng có thể liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo số điện thoại 0243.8.249.517, số máy lẻ 511 hoặc 304 để tìm hiểu thông tin liên quan.

Cũng liên quan đến tình trạng xuất khẩu lao động đi nước ngoài, mới đây, Công an TP Hà Nội cho biết thời gian vừa qua, tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố xuất hiện trào lưu xuất khẩu lao động sang Đức, Canada.

Tuy nhiên, giữa Việt Nam và các quốc gia nói trên chưa đạt được thỏa thuận hợp tác về xuất khẩu lao động, chưa có công ty được cấp phép đưa người sang lao động tại các nước này.

Trước đó, Báo Công lý đã phản ánh về một số trường hợp các công ty không được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn tổ chức tư vấn, thu tiền của nhiều khách hàng sau đó “bắt tay” với bên thứ 3 để “hợp thức hóa” việc tổ chức đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.

Đơn cử như Công ty Cổ phần giáo dục quốc tế T&T (địa chỉ tại số 1 –LK1 Khu đô thị sinh thái, phường Xuân Phương, Nam Từ Liêm) đã nhận tiền của 75 khách hàng với số tiền nhiều tỷ đồng để thực hiện chương trình đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Khi sự việc bị “bóc phốt”, Công ty này lại đổ lỗi cho bên thứ 3 là Công ty TNHH Nhân lực toàn cầu Bảo Châu (Công ty Bảo Châu) có địa chỉ tại khu đô thị Kim Chung, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội.

Đáng nói, Công ty Bảo Châu cũng không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Hiện, vụ việc đang được Công an huyện Hoài Đức phối hợp với VKSND cùng cấp điều tra, giải quyết tin báo tố giác tội phạm theo quy định.

Ngoài 2 công ty nói trên còn có Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển nhân lực GHR Global (Công ty GHR Global) địa chỉ tại tầng 9, tòa nhà Detech, Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu giấy, TP Hà Nội do bà Phạm Thị Hồng Giang là người đại diện pháp luật.

Theo tìm hiểu, Công ty này không được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài nhưng nữ Giám đốcGHR Global vẫn thu gần 300 triệu đồng của người lao động để thực hiện “đơn hàng” xuất khẩu lao động đi Canada. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 1 năm chờ đợi trong mỏi mòn, người lao động không được “bay”, trong khi tiền không lấy lại được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo tình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc tại nước ngoài