Ngày 27/8, Công an tỉnh TT-Huế cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tại Thừa Thiên Huế chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh tiếp nhận hơn 400 đơn trình báo của người dân bị lừa đảo qua mạng.
Qua nghiên cứu, phân tích, nhận thấy hoạt động của các đối tượng tội phạm rất chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn phạm tội.
Các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, trú chân tại địa bàn các nước láng giềng lừa đảo, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ đưa người Việt Nam ra nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội.
Lãnh đạo Công an Thừa Thiên Huế cho biết, có nhiều phương thức được các đối tượng thực hiện lừa đảo như: Lừa đảo tình cảm sau đó dẫn dụ đầu tư tài chính, làm nhiệm vụ online hoặc gửi tiền, quà có giá trị; giả danh công ty tài chính, ngân hàng để hỗ trợ cho vay, nâng hạn mức tín dụng... sau đó yêu cầu chuyển tiền để làm thủ tục.
Mạo danh hoặc chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội sau đó giả mạo người thân, quen nhắn tin, gọi điện vay tiền; lừa đảo mua bán hàng hóa, dịch vụ (vé máy bay, du lịch...) giá rẻ; giả danh cơ quan công quyền (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Hải quan...), văn phòng luật sư, ngân hàng... gọi điện đe dọa yêu cầu chuyển tiền hoặc hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa đảo; lừa đảo qua hình thức tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử, việc nhẹ lương cao; lừa đảo đầu tư vào các sàn chứng khoán, tiền ảo, đa cấp... sau đó khóa, đánh cháy tài khoản hoặc đánh sập sàn hoặc lấy lý do tiền treo trên hệ thống cần nạp thêm số tiền lớn hơn để giải ngân…
Đối tượng mà tội phạm lừa đảo qua mạng hướng tới chủ yếu là phụ nữ, người cao tuổi, sinh viên, người lao động có công việc không ổn định, thu nhập thấp…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Trong đó, các đối tượng lừa đảo nhằm mục đích kinh tế, làm giàu bất chính, bất chấp pháp luật.
Bên cạnh đó, có nguyên nhân của người bị hại là thiếu hiểu biết về hoạt động, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm; muốn có thêm thu nhập, hám lợi; bị lộ lọt thông tin cá nhân.
Ngoài ra, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, nhất là trong phối hợp xác minh dòng tiền chiếm đoạt; tài khoản ngân hàng còn bị mạo danh, mua bán, chuyển giao trái phép…
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Lực lượng Công an tiếp tục tuyên truyền, cập nhật, phổ biến thường xuyên các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông; các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc kết nối giữa cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của các doanh nghiệp viễn thông với các cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để rà soát, đảm bảo thông tin thuê bao chính xác.
Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng quản lý chặt các hoạt động đăng ký, mở tài khoản, đặc biệt là các tài khoản online; siết chặt việc đăng ký ví điện tử…
Đồng thời, đề nghị cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, kịp thời phát hiện, điều tra làm rõ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Người dân cần nâng cao cảnh giác, giữ bí mật thông tin cá nhân; cảnh báo cho bạn bè, người thân biết về các hình thức lừa đảo nhằm phòng ngừa, tố giác tội phạm.
Đồng thời luôn thực hiện phương châm “không sợ (đối tượng đe dọa, thao túng tâm lý), không làm theo (chuyển mã OTP, kích vào đường link lạ, gọi đến một số điện thoại khác để được hỗ trợ, hướng dẫn,…), không tham (việc nhẹ lương cao; đầu tư tài chính qua mạng - tiền ảo, chứng khoán,…), không chuyển (thông thường đây là bước cuối cùng để đối tượng chiếm đoạt tài sản)”.