Trong khi những lình xình quanh việc cho tàu quá trọng tải vào cầu cảng số 5 còn chưa được xử lý dứt điểm thì mới đây, người dân lại phản ánh cầu cảng số 1 Nghi Sơn (Thanh Hóa) tiếp nhận tàu có trọng tải vượt quá trọng tải cho phép của cầu cảng.
Ngày 15/5/2017, tại khu vực cầu cảng số 1, tàu Neptune Star Hải Phòng đã cập cảng để bốc xếp hàng hóa xi măng. Tàu Neptune Star Hải Phòng có trọng tải 25.398 DWT. Trong khi đó, theo thiết kế quy hoạch hiện nay, cầu cảng số 1 Nghi Sơn chỉ cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải đến 20.000 DWT.
Tàu Neptune Hải Phòng có trọng tải 25.398 DWT cập cảng số 1 Nghi Sơn trái quy định
Theo Công văn 1516/CHHVN-CTHH của Cục Hàng hải Việt Nam gửi Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa ngày 21/4 hướng dẫn khai thác bến cảng cầu cảng khu vực Nghi Sơn nêu rõ: Cảng vụ Thanh Hóa mà cụ thể là đại diện Cảng vụ Hàng hải Nghi Sơn có trách nhiệm căn cứ quyết định công bố mở cầu cảng, hồ sơ kết cấu cầu cảng và phương án khai thác cầu cảng đã được phê duyệt; điều kiện thực tế cầu cảng, khu trước bến, luồng tàu (độ sâu, chiều rộng, đường kính quay trở,… để xem xét cấp phép cho tàu thuyền có thông số kỹ thuật phù hợp vào, ra làm hàng. Thế nhưng hồ sơ kết cấu cầu cảng và phương án khai thác cầu cảng số 1 đã được phê duyệt cho tàu có tổng tải trọng đến 20.000 DWT nhưng Cảng vụ Hàng hải tại Nghi Sơn lại tùy tiện cho tàu hơn 25.000 tấn vào bốc xi măng.
Theo hồ sơ phóng viên có được, từ đầu năm 2017 đến nay, đã có rất nhiều vụ việc Cảng vụ Hàng hải Nghi Sơn làm trái quy định cho tàu vào cảng. Có thể kể ra một số vụ việc như ngày 3/1, tàu Jin Sheng (quốc tịch Hồng Kong, Trung Quốc), tải trọng 52.050 DWT được cấp phép cập cảng để bốc xếp 44.750 tấn Clinker và xuất bến ngày 7/1. Ngày 4/1, tàu ASI-M (quốc tịch Panama) tải trọng 52.404 DWT được cấp phép cập cảng bốc 44.740 tấn Clinke. Tiếp sau đó chỉ 1 ngày, tàu Glorius Jasmine (quốc tịch Panama) tải trọng 53.995 DWT được cấp phép cập cảng bốc xếp 39.000 tấn gỗ dăm và rời đi ngày 19/1. Ngày 11/1, thêm tàu Ocean Carie (quốc tịch Hồng Kông, Trung Quốc) tải trọng 56.853 DWT cũng được cấp phép vào cảng bốc gần 30.000 tấn tôn cuộn. Khủng khiếp hơn, ngày 14/1, Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Thanh Hóa cấp phép tàu Bao Tong (quốc tịch Hồng Kông, Trung Quốc), tải trọng 63.344 DWT vào bốc xếp 43.865 tấn Clinker...
Sự việc tái diễn này có thể là câu trả lời cho việc tại sao vừa qua, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa phải xác định một cơ chế cụ thể để cho tàu vào cảng, tránh tình trạng lách luật, “xin-cho” từng chuyến tàu dễ nảy sinh tiêu cực thì đơn vị này vẫn né tránh, không chịu đề ra quy chế này.
Sai phạm đã rõ như vậy nhưng trao đổi với báo chí, ông Đặng Văn Ba, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa lại cho biết: “Đến thời điểm hiện tại (16h30’ ngày 15/5 - PV), tôi vẫn chưa nắm được thông tin gì về việc này. Tôi sẽ yêu cầu Trưởng đại diện Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa tại Nghi Sơn là (ông Hoàng Văn Thủy - PV) làm việc với báo chí để các anh nắm rõ thông tin. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ xác minh lại sự việc, nếu đúng như báo chí thông tin chúng tôi kiên quyết xử lý theo luật”.
Tuy nhiên, sau đó đơn vị này đã né tránh, không hề cung cấp thông tin.
Liên quan đến việc quản lý tàu vào cảng gần đây, trao đổi với Báo Công lý, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết sẽ chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có.
Qua sự việc trên, dư luận đặt câu hỏi phải chăng Cảng vụ Hàng hải Nghi Sơn đang cố tình làm trái và thách thức cấp trên. Mong rằng sự việc sớm được làm rõ, xử lý nghiêm, lập lại trật tự ở khu vực này.