Hàng loạt khó khăn bủa vây người đi biển dẫn tới tâm lí chán nản, ngại vươn khơi và hướng đến bán tàu, tìm kế sinh nhai khác. Tuy nhiên, những hộ không tìm được công việc mới phù hợp lại rất dễ rơi vào các tệ nạn xã hội hoặc tái nghèo. Chính vì vậy cần có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hợp lý cho ngư dân Thanh Hóa nói chung và Nghi Sơn nói riêng vươn khơi, bám biển.
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND phường Hải Bình Ông Trần Văn Sơn cho biết: Tại địa phương có 204 tàu có công suất từ 400CV đến 1000CV. Trong đó có 137 tàu đánh bắt hải sản và 67 tàu thu mua hải sản ngoài khơi. Mỗi tàu sử dụng tương ứng từ 10 đến 15 lao động chuyên làm việc ngoài biển.
Theo ông Sơn, hiện số lượt ra khơi của các tàu đánh bắt và thu mua hải sản chuyên nghiệp chỉ bằng 1/3 các năm trước. Nguyên nhân chính, vẫn là khó khăn ra vào cảng do cát biển bồi lắng cửa lạch. Không ít trường hợp nằm chờ xếp hàng vào cảng bị sóng xô khiến tàu bị vỡ. Việc tàu không ra khơi kéo theo hàng ngàn lao động làm việc trên biển và làm nghề hậu cần nghề biển mất công ăn việc làm.
Chủ tịch UBND phường Hải Bình so sánh, năm 2021, 2022 thu nhập bình quân của nhân dân Hải Bình chỉ bằng 1/3 năm 2018 (theo báo cáo năm 2021 thu nhập bình quân chỉ đạt 1 đến 2 triệu đồng/người/tháng). Thu nhập thấp, đi biển lại vất vả, nguy hiểm nên lao động địa phương có xu hướng chuyển dich sang những ngành nghề khác.
Chỉ tính riêng tại phường Hải Bình có trên ngàn lao động đang làm việc tại công ty giày da và chế biến hải sản trong khu vực có mức lương ổn định từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng. Lao động đã có tay nghề hoặc được đào tạo bài bản thì sẵn có nhiều công ty hoạt động ở Khu kinh tế Nghi Sơn chào mời với mức lương hấp dẫn.
Trong khi đó khảo sát tại phường Hải Thanh cho thấy trên địa bàn đang có 340 tàu có công suất từ 150CV đến 1000CV, tương ứng với khoảng 5.000 lao động ra khơi chuyên nghiệp. Thế nhưng thời gian gần đây ngư dân cũng không mặn mà với biển nữa. Ngoài lý do giá xăng dầu leo thang quá nhanh, nhiều tàu thu không đủ chi thì nguyên nhân chính vẫn là vấn đề khó khăn trong việc cập bến;
Mỗi khi tàu mắc cạn là chính quyền địa phương phải huy động người, thuyền cứu hộ để giải cứu. Còn tàu mắc cạn và va phải đá ngầm thì chìm rất nhanh. Lúc đó phải có đội thợ cứu hộ ở ngoài Cảng Hới (Sầm Sơn) hoặc ở Nghệ An vào giải cứu. Chi phí sửa chữa, thuê cứu hộ rất tốn kém.
Theo một chủ cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn cho hay, năm 2018 về trước, tàu thuyền ngư dân các tỉnh vào nhập cá và trú bão tại cảng Lạch Bạng rất đông. Theo đó, cá được nhập vào cảng khoảng 5.000 tấn/ngày (150.000 tấn cá/tháng).
Số cá này sau đó được đưa về các nhà máy chế biến hải sản trên địa phận phường Hải Bình và các cơ sở ướp lạnh để vận chuyển đến nhiều tỉnh, thành trong nước và sang nước bạn Lào để tiêu thụ. Khoảng 5 năm trở lại đây, tàu đánh bắt ngoài khơi của các tỉnh bạn cũng thưa dần và ít về Lạch Bạng mà vấn chính vẫn là việc ra vào cảng.
“Họ sợ vỡ tàu, sợ vào nhưng không ra được, sợ mất rất nhiều thời gian và tốn kém xăng dầu vận hành khi rời bến, hải sản để lâu sẽ bị ươn, thối… Nếu so sánh với các năm, thì năm 2022, lượng thủy sản về Cảng Lạch Bạng chỉ bằng 20% các năm trước. Thực tế cho thấy, Hải Thanh và Hải Bình đã đang mất đi nguồn thu cơ bản cho hàng ngàn lao động địa phương”, chủ cơ sở này nói.
Theo tìm hiểu, công trình cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Bang, thị xã Nghi Sơn được đầu tư xây dựng từ những năm 2009-2012, luồng chạy tàu ra vào cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền thuộc tuyến đường thủy nội địa quốc gia Lạch Bạng - Đảo Hòn Mê do Bộ GTVT quản lý;
Để giải quyết tình trạng bồi lắng tại cảng cá này, được biết ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị đầu tư nạo vét và thanh thải dải đá ngầm trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia Lạch Bạng-Đảo Hòn mê.
Trong báo cáo gửi Bộ GTVT, UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay, hệ thống luồng lạch ra vào cảng và khu neo đậu bị bồi lấp nghiêm trọng, đặc biệt tồn tại dãy đá ngầm trong luồng chạy tàu đã gây khó khăn và nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào trao đổi hàng hóa và tránh trú bão;
Do đó HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 về chủ trương đầu tư “Dự án nạo vét, thanh thải dãy đá ngầm luồng tàu, khu vực cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng” (Dự án) với mục tiêu đầu tư đảm bảo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền nghề cá ra vào cảng cá và âu để tránh, trú bão an toàn; bốc xếp thủy, hải sản và tiếp cận các dịch vụ hậu cần nghề cá.
Trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT Thanh Hoa (chủ đầu tư) đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thỏa thuận vị trí xây dựng hạng mục nạo vét, thanh thái dải đá ngầm luồng tàu từ Km0-Km0-900 tuyến đường thủy nội địa quốc gia Lạch Bạng - Đảo Hòn Mê. Nhưng Cục này hướng dẫn Ban làm việc với đơn vị quản lý đường thủy nội địa nghiên cứu, đề xuất đưa vào kế hoạch bảo trì để báo cáo Bộ GTVT xem xét, chấp thuận phê duyệt kế hoạch thực hiện trong những năm sau.
Trong văn bản gửi Bộ GTVT, theo UBND tỉnh Thanh Hóa, để đầu tư đồng bộ, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, sớm đưa Dự án vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống lụt bão tại địa phương, đề nghị Bộ GTVT chấp thuận cho tỉnh đầu tư nạo vét và thanh thải dải đá ngầm đoạn từ Km0-Km0-900 trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia Lạch Bạng - Đảo Hòn Mê bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Việc nạo vét luồng lạch vào cảng Lạch Bạng để đảm bào an toàn cho tàu thuyền và tính mạng của nhân dân là rất bức thiết. Thế nhưng do vướng mắc nhiều thủ tục, quy trình đầu tư mà đến nay dự án vẫn chưa triển khai thực hiện được khiến người dân càng thêm lo lắng. Nhất là khi mùa mưa bão năm 2023 đã bắt đầu.
Kỳ 3: Dự án bức thiết nhưng vẫn phải chờ khai thông vướng mắc