Cần xây dựng thương hiệu nông nghiệp hữu cơ “made in Vietnam”

Tuấn Phong| 19/08/2021 10:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trên thực tế, hiện nay, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm và đâu là sản phẩm không an toàn. Trong bối cảnh đó, việc phát triển mang tính hệ thống, ổn định và bền vững đi đôi với xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu nông nghiệp hữu cơ là rất cần thiết.

Có thể thấy, sự chưa minh bạch của sản phẩm không an toàn gây ảnh hưởng cuộc sống của con người. Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam ở một số nơi vẫn chưa được kiểm soát tốt về dư lượng hóa chất, do đó các nông sản, thực phẩm tự bản thân nó cũng đang bị mất dần thị trường cao cấp.

Xây dựng thương hiệu nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

 Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), mặc dù còn phát triển ở mức độ thấp, nhưng đến nay một số sản phẩm hữu cơ Việt Nam đã có thương hiệu và đã có mặt ở nhiều thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…

Những thành tựu này đạt được một phần là nhờ vào sự tiến bộ của nông dân, đồng thời là tâm huyết lớn của các doanh nghiệp. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong nước đón đầu và tiên phong trong việc áp dụng công nghệ sản xuất mới, vận động nông dân tham gia sản xuất sản phẩm để nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó, sản phẩm hữu cơ ngày càng phong phú và đa dạng.

Ngoài cây trồng còn phát triển mạnh về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, tạo ra những sản phẩm chất lượng và có giá trị cao đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu. Số lượng các địa phương tham gia sản xuất hữu cơ và số lượng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tăng nhanh, vừa cung cấp sản phẩm cho thị trường, vừa góp phần đào tạo, truyền thông về kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ cho cả nước. Bản thân nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cũng đã kết nối với các tổ chức quốc tế như: Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM); Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ châu Á (IFOAM Asia); Tổ chức chính quyền địa phương với nông nghiệp hữu cơ (ALGOA)…

Sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ đã và đang được phát triển mạnh mẽ. Chúng ta đều biết rằng, sự khác biệt rõ nhất giữa các loại sản phẩm hữu cơ với sản phẩm khác là quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản,... nguồn thức ăn trong chăn nuôi là nguồn thức ăn tự nhiên.

Phát triển thương hiệu đồng hành với nhân rộng và lan tỏa các mô hình nông nghiệp hữu cơ

Thiết nghĩ, để đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, thiết lập và củng cố thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ “made in Vietnam”, cần xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Các mô hình liên kết theo chuỗi góp phần nâng cao năng suất, giúp sản phẩm tạo được liên kết đầu ra, có chỗ đứng trên thị trường, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người tiêu dùng cũng an tâm sử dụng sản phẩm.

Các nhà quản lý, các chuyên gia nông nghiệp nhận định, xây dựng, củng cố và phát triển thương hiệu còn phụ thuộc vào việc nhân rộng và tạo ra tính lan tỏa giúp cho mô hình nông nghiệp hữu cơ ngày càng phát triển không chỉ trên con tôm, cây lúa mà còn ở nhiều mô hình khác như: sản xuất rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm…

nnhc-ky4.jpg
Từng bước xây dựng, phát triển và củng cố thương hiệu nông nghiệp hữu cơ Việt trong khu vực và thế giới

Do đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác mà một trong những giải pháp cần được ưu tiên - đó là công tác quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết cho từng tiểu vùng sản xuất. Bởi không có quy hoạch sẽ khó hoạch định và hình thành nên các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa chất lượng cao theo mô hình nông nghiệp hữu cơ, cũng như sẽ khó thu hút được các dự án đầu tư trong, ngoài nước vào liên kết hợp tác với nông dân.

Bên cạnh đó, phải làm thay đổi căn bản nhận thức, tập quán canh tác của người nông dân về nông nghiệp sạch, xem sản xuất nông nghiệp hữu cơ là việc làm tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sản phẩm sạch và đảm bảo về thị trường tiêu thụ, hướng đến phát triển bền vững. Không vì lợi nhuận trước mắt mà chấp nhận đánh đổi môi trường, xem việc bảo vệ môi trường sản xuất là trách nhiệm, nghĩa vụ và vì sự phát triển bền vững cho tương lai.

Đồng thời, hướng nông dân vào sản xuất tập trung thông qua các mô hình hợp tác, hợp tác xã và liên kết chuỗi giá trị, tránh tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và không tạo ra khối lượng hàng hóa lớn. Đây chính là nhu cầu không thể thiếu để xây dựng hàng hóa nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu, mang tính tập thể và được chứng nhận địa lý - vốn là yêu cầu bắt buộc trong xuất khẩu hàng hóa hiện nay.

Một vấn đề quan trọng khác, để phát triển nông nghiệp hữu cơ, cần nhanh chóng đưa các chính sách mà Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 đề cập đến đi vào cuộc sống, gồm có các chính sách đặc thù trong ưu đãi về thu hút đầu tư, các chính sách về tín dụng cho doanh nghiệp và nông dân tiếp cận vốn.

Cùng với đó là tăng cường đầu tư, chuyển giao về khoa học - công nghệ tiên tiến cho nông dân trong sản xuất, chế biến, bảo quản; xúc tiến thị trường, quảng bá sản phẩm và giúp nông dân xây dựng thương hiệu…

Với xu thế hội nhập và cạnh tranh về thị trường tiêu thụ gay gắt như hiện nay, phát triển nông nghiệp hữu cơ là nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững. Không chỉ thế, với sự tác động từ biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan thì bảo vệ môi trường sinh thái cũng trở thành vấn đề mang tính toàn cầu mà sản xuất nông nghiệp theo hướng “thuận thiên”, thân thiện với môi trường là yêu cầu không thể thiếu./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần xây dựng thương hiệu nông nghiệp hữu cơ “made in Vietnam”