Cần xây dựng thiết chế cho Tòa án tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Luật Bầu cử

Quốc Huy| 07/11/2014 06:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) tại phiên thảo luận ở tổ về Dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân chiều 5/11.

Cần một thiết chế cho Tòa án

Góp ý vào Dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, đại biểu (ĐB) Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, đối với Luật này cần phải quy định địa vị pháp lý của Ủy ban bầu cử. Đây là chế định độc lập được hiến định, tuy nhiên địa vị pháp lý hiện nay chưa rõ ràng, giống như các Ủy ban bầu cử trước đây do Quốc hội thành lập, thực hiện giúp việc cho Quốc hội trong việc bầu cử.

Về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong bầu cử, ĐB Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, hiện nay quy định vẫn mang dáng dấp hành chính. Quyền bầu cử, ứng cử là quyền thiêng liêng, được quy định trong Hiến pháp, chỉ có Tòa án mới có thể nhân danh Nhà nước để hạn chế hoặc tước đi quyền bầu cử, ứng cử của mỗi công dân. Do đó, cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Dự thảo Luật thực hiện theo hình thức hành chính là chưa phù hợp với Hiến pháp. Như vậy, sẽ làm cho người được bầu cử không thực hiện được quyền lợi của mình.

ĐB Sinh cũng cho rằng, trong tương lai, với điều kiện chúng ta đang thực hiện cơ chế dân chủ, ắt sẽ có khiếu nại, tố cáo liên quan đến hành vi gian lận trong công tác bầu cử, nếu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo lại do chính Ủy ban bầu cử giải quyết là chưa thỏa đáng, không khách quan. Vì vậy, ông Sinh đề nghị cần xây dựng thiết chế cho Tòa án tham gia phán quyết giải quyết khiếu nại, tố cáo vào Dự thảo Luật này.

Về tiêu chuẩn đại biểu, các ý kiến cho rằng quy định còn chung chung. Theo ĐB Đỗ Văn Đương, tiêu chuẩn ĐB Quốc hội phải được luật hóa một cách cụ thể, để cử tri khi nhìn vào tiêu chuẩn này có thể quyết định bầu hay không bầu ứng viên; để cử tri có thể lựa chọn ra ĐB có tâm huyết, dám nói, dám làm. Nếu như ĐB chuyên trách tiêu chuẩn không rõ ràng, không phải là công chức có kinh nghiệm 15 năm làm việc trở lên thì e khó đảm trách được những trọng trách nặng nề “gánh” trên vai người ĐB khi trúng cử. Bên cạnh đó, những tiêu chuẩn này sẽ là cơ sở để có thể lựa chọn ĐB xứng đáng, dám nói ý kiến của dân; cơ quan có thẩm quyền nhìn vào đó giới thiệu, vận động bầu cử và cử tri thấy để bầu.

Cần xây dựng thiết chế cho Tòa án tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Luật Bầu cử

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) phát biểu thảo luận

Tránh vận động bầu cử kiểu “mua chuộc” cử tri

Một nội dung nữa được khá nhiều đại biểu quan tâm đó là vận động bầu cử. Dự thảo Luật quy định những hành vi bị cấm khi thực hiện vận động bầu cử như hành vi sử dụng vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri; cố gắng tạo ra những hình ảnh mà không phải thực sự là bản chất, gây thiện cảm để cử tri bầu mình. Các ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ vấn đề này nhằm ngăn chặn việc lạm dụng để đánh bóng tên tuổi của mình. Ví dụ phải quy định từ khi công bố ứng cử viên, không được tham gia chương trình từ thiện hay tài trợ liên quan đến kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, việc tặng nhà tình nghĩa, bò, trâu, sổ tiết kiệm… thì phải làm trước khi công bố danh sách, đến khi công bố rồi thì không được tài trợ hay tặng quà. Phải quy định chặt chẽ nếu không sẽ nảy sinh tiêu cực, những đại biểu làm chính trị mà không có tiền sẽ thua - ông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, vận động bầu cử phải trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Làm thế nào để đổi mới, lựa chọn ĐB xứng đáng vào Quốc hội, HĐND.

Về vai trò của địa phương đối với các ứng cử viên do Trung ương giới thiệu về ứng cử, nhiều ý kiến cho rằng: Có một thực tế rất đáng suy ngẫm là trong thời gian qua, các địa phương rất bị động trong việc giới thiệu ĐB về địa phương ứng cử. Vai trò địa phương với các ứng cử viên do Hội đồng Bầu cử quốc gia giới thiệu về địa phương chưa rõ nên mới có câu chuyện là ĐB gửi về chỉ để lấy phiếu, khi trúng cử rồi không một lần quay lại. Vì vậy, địa phương cần phải có ý kiến về vấn đề này.

Theo ĐB Nguyễn Tiến Sinh, ai cũng hiểu, giới thiệu ứng viên về để gánh vác việc Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhưng làm thế nào để địa phương tham gia nhất định trong việc này thì đề nghị trong quá trình hiệp thương cần phải có ý kiến của địa phương. Để ĐB thấy rằng, trách nhiệm về địa phương phải làm tròn được ít nhất là đối với cử tri đã bầu mình trước khi nói rộng ra là cử tri cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần xây dựng thiết chế cho Tòa án tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Luật Bầu cử