Lần đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, thực hiện thành công nối mạch máu vi phẫu cho bệnh nhân mà không dùng kim khâu.
Ngày 21/5, BSCK2 Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, trường hợp đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này là bệnh nhân L.H.N. (43 tuổi, ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).
Ông N. bị tai nạn lao động gần một năm, bị đứt lìa 1/3 dưới cẳng tay phải đã được phẫu thuật khâu nối. Tuy nhiên, gần đây bệnh nhân đã phải nhập viện điều trị gấp bởi biến chứng sẹo co rút dính gân duỗi - xương cẳng tay, di chứng đứt lìa cẳng tay phải.
Bệnh nhân N. được các bác sĩ chăm sóc sau khi nối mạch máu thành công
Sau khi bệnh nhân nhập viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, các bác sĩ tổ chức hội chẩn và quyết định phẫu thuật chuyển vạt da tự do để che phủ vùng sẹo co rút 1/3 dưới cẳng tay phải cho bệnh nhân.
Cụ thể, ê-kíp phẫu thuật đã chuyển một vạt da cân (vạt da có mạch máu) ở trước đùi bệnh nhân lên che phủ mặt sau ngoài cẳng tay phải. Để đảm bảo cho vạt da cân sống được trên cẳng tay, các BS phải khâu nối mạch máu của vạt da với mạch máu cẳng tay.
Trước đây, BS thường tiến hành nối mạch máu cho bệnh nhân bằng kim và chỉ khâu. Thời gian để nối một mạch máu bằng chỉ khâu mất từ 30 - 60 phút. Do mạch máu rất nhỏ nên nhiều khi nối xong thì mạch máu bị hẹp miệng, tắc gây hoại tử vạt da.
Vì vậy, ê-kíp phẫu thuật quyết định sử dụng bộ nối mạch vi phẫu để nối các mạch máu nhỏ một cách nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. Đặc biệt, dụng cụ này làm giảm nguy cơ xẹp miệng nối động mạch, tĩnh mạch vốn làm tăng nguy cơ tắc mạch chết vạt che phủ.
Thời gian khâu nối mỗi mạch máu chỉ từ 4-6 phút, bề mặt nối đều nhau, ít rỉ máu hơn, độ chính xác cao hơn so với nối bằng kim, chỉ khâu... Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định, vạt da che phủ sống hoàn toàn. Dự kiến tuần sau bệnh nhân sẽ ra viện.