Nên có nghiên cứu để đổi mới chương trình bồi dưỡng theo hướng chú trọng đồng đều nội dung kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ, không nên theo định hướng bài thi như hiện nay, ông Vũ Văn Dũng, Trường phòng Trung học, Sở GD-ĐT Tuyên Quang cho biết.
Bồi dưỡng giáo viên cho môn học này cần chú trọng hình thức trực tuyến
Liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Tọa đàm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên - yếu tố then chốt nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, Thông tư 26 về quy chế bồi dưỡng thường xuyên đã quy định, hàng năm giáo viên phải tự đăng ký nội dung bồi dưỡng, trên cơ sở đó nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục sẽ tổng hợp và triển khai bồi dưỡng.
Tuy nhiên, việc này vẫn còn hình thức vì không ít giáo viên khi lựa chọn nội dung bồi dưỡng không xuất phát từ nhu cầu, việc đánh giá kết quả bồi dưỡng cũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, giám sát chất lượng bồi dưỡng ở các cấp còn hạn chế.
Nên có nghiên cứu để đổi mới chương trình bồi dưỡng theo hướng chú trọng đồng đều nội dung kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ, không nên theo định hướng bài thi như hiện nay. Hải Nam.
“Ngoại ngữ là môn đặc thù, bồi dưỡng giáo viên cho môn học này cần chú trọng hình thức trực tuyến để giáo viên học mọi lúc mọi nơi, đặc biệt chú trọng khâu đánh giá, giám sát chất lượng bồi dưỡng để tăng cường hiệu quả sau bồi dưỡng” - Ông Tuấn Anh đề nghị.
Ông Vũ Văn Dũng, Trường phòng Trung học, Sở GD-ĐT Tuyên Quang đặt vấn đề, nên có nghiên cứu để đổi mới chương trình bồi dưỡng theo hướng chú trọng đồng đều nội dung kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ, không nên theo định hướng bài thi như hiện nay.
“Nên có giáo viên người nước ngoài tham gia bồi dưỡng, cũng cần mở rộng tài liệu, học liệu như sách, bài giảng trực tuyến cho giáo viên. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao phương pháp, nghiệp vụ sư phạm. Thực hiện nghiêm túc việc thanh tra, kiểm tra tư vấn sau bồi dưỡng, làm sao “giữ lửa” để giáo viên tiếp tục áp dụng các kiến thức, phương pháp được bồi dưỡng vào thực tế giảng dạy” - Ông Dũng nêu một số giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ.
Để việc bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ đạt yêu cầu, ông Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng cho rằng, phải để các thầy cô thấy được bồi dưỡng là nhu cầu tự thân, là “liều thuốc tinh thần”, niềm vui chứ không phải áp lực, thúc ép.
Khuyến khích xây dựng văn hóa phát triển chuyên môn thường xuyên trong nhà trường
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng Anh thành công tại Thái Lan và 4 tỉnh/ thành phố của Việt Nam (Nam Định, Cần Thơ, Bắc Giang và Lạng Sơn), bà Sadie Maddocks, cố vấn đào tạo cao cấp của Hội đồng Anh cho biết: “Chương trình bồi dưỡng của chúng tôi có thời lượng từ 60 đến 100 giờ bao gồm nhiều nội dung thực tiễn hơn lý thuyết. Chúng tôi cũng khuyến khích xây dựng văn hóa phát triển chuyên môn thường xuyên trong nhà trường thông qua hoạt động giảng dạy mẫu và dự giờ của giảng viên Hội đồng Anh với các em học sinh trong lớp học thực tế”.
Ảnh minh họa. Hải Nam.
Để việc bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm giảng dạy tiếng Anh cho các giáo viên khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Việt Nam đạt hiệu quả, ông Jacob Heinrich, Trưởng Khoa tiếng Anh, Đại học RMIT đề xuất, việc bồi dưỡng cần được thực hiện theo các khoá học tập trung, tách biệt với các hoạt động khác, kết hợp giảng dạy trực tuyến với tương tác chặt chẽ giữa giảng viên bồi dưỡng và giáo viên, tạo động lực tự học, tự bồi dưỡng cho giáo viên.
Đại diện Apollo Việt Nam và Đại học Anh quốc Việt Nam, bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế và đối ngoại cho rằng, để thúc đẩy đào tạo giáo viên tiếng Anh có hiệu quả, cần quan tâm tới các chính sách hỗ trợ đào tạo để tạo động lực cho giáo viên. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng cần xây dựng lộ trình cụ thể những chính sách ưu tiên cho 5-10 năm tới để thúc đẩy việc dạy và học ngoại ngữ, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Nhận định bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ phải là một quá trình liên tục, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, bồi dưỡng không phải để giáo viên giỏi trong mấy tháng mà phải giỏi liên tục, muốn vậy cần phải có các chương trình, học liệu phù hợp để sau khi kết thúc bồi dưỡng, giáo viên tiếp tục tự học nâng cao kiến thức của mình.
“Có rất nhiều chương trình, học liệu online, đây là xu hướng cần được cập nhật. Phải tạo được động lực để giáo viên tự học, tự trau dồi, nâng cao trình độ. Quan trọng nhất là ý thức của giáo viên và xem đây là nhu cầu thực sự của bản thân” - Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, với vai trò của mình, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện, ban hành và tham mưu ban hành các chính sách phù hợp, minh bạch, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh trong thời gian tới.