Bộ Công Thương đang cùng Bộ Tài chính nghiên cứu và đề xuất phương án giảm thuế, như thuế bảo vệ môi trường, để giảm giá xăng trong nước.
Thông tin này được bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nêu tại họp báo chiều 30/9.
Đề xuất giảm giá một số mặt hàng thiết yếu như giảm 10-30% với xăng được Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra tại hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp tuần trước, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất bớt khó khăn vì dịch bệnh. Thủ tướng sau đó đã chỉ đạo Bộ Công thương và Bộ Tài chính nghiên cứu, tính toán các yếu tố, dư địa có thể khai thác để giảm giá xăng.
Bà Lê Việt Nga cho hay, liên bộ đã tính toán các biện pháp, công cụ có thể dùng tới để giảm giá xăng, như dùng Quỹ bình ổn; nghiên cứu phương án giảm thuế, chẳng hạn thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 RON 92 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
"Liên Bộ sẽ phối hợp điều hành giá xăng dầu phục vụ tốt nhất nền kinh tế, đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp khi mở cửa trở lại", bà Nga khẳng định.
Hồi tháng 4 năm ngoái, Bộ Công Thương từng kiến nghị giảm thêm thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 RON 92 cho phù hợp thực tế để tạo mức chênh lệch giá, khuyến khích sử dụng xăng sinh học. Mức thuế bảo vệ môi trường đang áp dụng với xăng E5 RON 92 là 3.800 đồng một lít.
Ở đợt tăng giá gần nhất, ngày 25/9, mỗi lít RON 95 tiến sát ngưỡng 22.000 đồng, ở mức 21.940 đồng; còn xăng E5 RON 92 cũng tăng lên 20.710 đồng mỗi lít. Đây là mức giá cao nhất từ tháng 2 trở lại đây. So với đầu tháng 2, mỗi lít xăng RON 95 đắt thêm 4.670 đồng; còn xăng E5 RON 92 cũng thêm 4.410 đồng một lít.
Cũng theo bà Nga, 9 tháng năm nay CPI tăng 1,82%, mức rất thấp so với chỉ tiêu của Quốc hội là kiểm soát dưới 4%. Với con số này, bà cho rằng, có sự đóng góp của giá xăng dầu với mức chi phí hợp lý.
Tuy nhiên, giá xăng dầu thế giới đang diễn biến theo hướng tăng. Nhiều nền kinh tế kiểm soát được dịch và phục hồi, mở cửa trở lại nên nhu cầu đi lại tăng lên. Do đó, giá xăng dầu thế giới được dự báo là sẽ khó giảm, trong khi đây là yếu tố quan trọng tác động tới giá xăng dầu trong nước.
Việc giá nhiên liệu trên thị trường thế giới dự báo "trong xu hướng đi lên", ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương nhìn nhận sẽ tác động hai chiều tới kinh tế Việt Nam. Ở khía cạnh xuất khẩu, giá dầu thô thế giới tăng giúp giá xuất khẩu Việt Nam tăng theo, ngân sách được hưởng lợi.
Ngược lại, hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu xăng dầu nên khi giá dầu thô tăng kéo theo sự đi lên của giá xăng dầu thành phẩm, nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp khi đây là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Với ngành sản xuất xăng dầu trong nước, ông cho hay, PVN cũng phải tính toán sản xuất để tránh tồn kho. Thực tế vừa qua nhiều tỉnh thành giãn cách kéo dài nên nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước giảm 60-80%.
"Đây là bài toán mà doanh nghiệp phải tính toán kỹ, làm sao để tăng sản xuất nhưng phải giải phóng được hàng mình sản xuất...", ông nói và cho biết vừa qua đã đồng ý cho PVN tăng xuất khẩu, mang lại nguồn thu cho ngân sách.